Có thể thấy, mục tiêu tạo ra môi trường kinh doanh tốt, trong đó có môi trường pháp lý luôn được Chính phủ theo đuổi. Nhiều “phiên bản” nghị quyết của Chính phủ đã được ban hành trong suốt thời gian dài vừa qua nhằm cắt giảm, đơn giản hóa quy định cho hoạt động kinh doanh. Thế nhưng, kết quả vẫn chưa như mong đợi. Chúng ta thấy ở đây, dường như có một sự trì kéo về quy định. Chính phủ thì muốn thuận lợi, tốt hơn lên cho hoạt động doanh nghiệp (DN), nhưng nhiều quy định về đến cấp bộ thì chưa đạt được điều này.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), là đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ theo dõi việc thực các nghị quyết của chính phủ về lĩnh vực này đã xác định điều đó.

“Từ bây giờ, khi làm việc với các bộ, ngành, chúng tôi sẽ không cần tranh luận xem quy định đó là thủ tục hành chính hay là điều kiện kinh doanh để đề xuất cắt giảm như trước, chỉ cần quy định gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN thì phải cắt bỏ” - ông Phan Đức Hiếu, Phó CIEM đã nói như vậy. Tức là những quy định không thuận lợi cho hoạt động kinh doanh vẫn còn.

Xương sống của mọi nền kinh tế là hoạt động của DN. Nếu nói không quá lời thì chính DN tạo ra toàn bộ hoạt động kinh tế. Từ hoạt động kinh tế tác động lên nhiều lĩnh vực của xã hội. Nguồn thu ngân sách cũng từ hoạt động của DN mà ra; lương bổng trả cho bộ máy quản lý nhà nước, bộ máy thực hiện các lĩnh vực sự nghiệp cũng từ hoạt động DN mà ra. Xã hội phát triển nhanh hay chậm cũng từ một phần quan trọng của hoạt động DN mà ra… thế nhưng tại sao khi ban hành các quy định có tính chất luật, nhiều điều khoản vẫn không làm thuận lợi cho DN, thậm chí là gây khó?

Không dễ có câu trả lời thấu đáo cho vấn đề nêu trên, bởi “độ vênh” giữa lý thuyết (được hiểu ở đây là các quy định mang tính chất luật của các bộ, ngành) và việc thực thi là không hề nhỏ. Điều này chúng ta có thể biết được khi góp ý dự thảo nghị quyết nêu trên, chính VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) và CIEM đề nghị cắt giảm đến 50%.

Tuy khó nhưng chúng ta hy vọng, với NQ68, một môi trường tốt hơn cho hoạt động kinh doanh được mở ra, bởi NQ68 có những định lượng rất cụ thể: về số lượng: cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định; về chi phí: cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực; về thời gian: thực hiện đến ngày 31/5/2020.

Đã lượng hóa được, đã định tính được thì mọi vấn đề được nhìn thấy trở nên dễ dàng hơn, bởi vậy mà việc thực hiện cũng dễ hơn, việc kiểm tra giám sát cũng dễ hơn. Chúng ta có thể hiểu, ví dụ trước đây, chi phí tuân thủ quy định là mười đồng, giờ, trong phạm vi ngành anh quản lý, anh làm như thế nào để chi phí tuân thủ chỉ còn tám đồng thôi, và đó là việc của anh!

Có thể xem, nghị quyết này như là một “mệnh lệnh”, như ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói: “Chỉ cần quy định gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN thì phải cắt bỏ".

Nguyên Lê