Sau khi được hỗ trợ vốn khuyến công đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, cơ sở mì lát Phụng Nhung nâng cao công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường

Sau 15 năm hoạt động, doanh số bán hàng đối với sản phẩm mì lát của Cơ sở mì lát bánh canh khô Phụng Nhung ở xã Quảng Thành (Quảng Điền) ngày càng tăng, sản phẩm làm ra không đủ cung cấp trên thị trường. Từ quy mô hộ gia đình và chủ yếu sản xuất thủ công năng suất thấp, năm 2013 cơ sở đầu tư máy cán và sấy sản phẩm công suất 3- 4 tạ/ngày. Song, với lượng tiêu thụ tăng, mỗi tháng khoảng 12-15 tấn sản phẩm nên công suất máy không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, nguồn cung luôn thiếu hụt.

Cuối năm 2019, cơ sở lập đề án khuyến công (KC) đề xuất xin kinh phí đầu tư dây chuyền sản xuất mì lát bánh canh khô và được Sở Công thương phê duyệt. Dây chuyền sản xuất có công suất 1 tấn sản phẩm/ngày, tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng, trong đó vốn KC hỗ trợ 50% kinh phí.

Theo chủ cơ sở Trương Hữu Phụng, để mở rộng quy mô sản xuất, năm 2019 cơ sở đầu tư vốn xây dựng nhà xưởng nên không có kinh phí trang bị máy móc. Nguồn vốn KC đã hỗ trợ kịp thời góp phần tăng năng suất, giải quyết thêm nhiều lao động. Sau khi đưa máy vào hoạt động, không chỉ năng suất tăng gấp 3 lần so với máy cũ, lượng điện tiêu thụ giảm 30% mà chất lượng sản phẩm được nâng lên, sợi mì đều hơn nên doanh số bán hàng tăng lên nhiều. Hiện, mỗi tháng cơ sở tiêu thụ trên 15 tấn sản phẩm tại các tỉnh, thành phố trong nước, giải quyết việc làm cho gần 20 người.

Ông Phụng cho biết, ngoài nguồn hỗ trợ kinh phí đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, Sở Công thương còn hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tổ chức ở TP. Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và Hà Nội, qua đó cơ sở ký kết được các đơn hàng lớn, đồng thời kết nối với các đại lý để cung ứng tiêu thụ sản phẩm số lượng lớn.

Năm 2020, Sở Công thương đẩy mạnh các nguồn vốn phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, phát triển nghề truyền thống và vốn KC tiếp tục hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến khuyến khích các cơ sở CNNT, ngành nghề thủ công mỹ nghệ đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất, sản xuất sản phẩm mới, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tăng doanh thu cho cơ sở sản xuất.

Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh, để đưa sản phẩm của các cơ sở CNNT đến gần hơn với người tiêu dùng trong cả nước và hướng đến xuất khẩu, Sở tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tăng cường quảng bá sản phẩm, giảm chi phí trong giao dịch, hạ giá thành sản phẩm cũng như tăng năng lực cạnh tranh.

Sở đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình KC, xúc tiến thương mại; lồng ghép thực hiện với chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm (OCOP) để hỗ trợ các cơ sở CNNT phát triển năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặt khác, huy động nguồn lực hỗ trợ thiết kế mẫu mã sản phẩm; kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm CNNT và cung cấp thông tin kịp thời cho cơ sở CNNT để định hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG