Tuyên truyền cho người dân về chính sách BHXH

Vợ chồng ông Nguyễn Đức Cầm ở phường Thuận Thành (TP. Huế) muốn nhận BHXH 1 lần sau 17 năm tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, sau nhiều lần cán bộ BHXH tỉnh gọi điện tư vấn, giải thích đã thuyết phục vợ chồng ông tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thêm 3 năm nữa để nhận lương hưu.

Ông Cầm cho biết: “Hai vợ chồng tôi tính lĩnh một lần để trang trải khó khăn, nhất là trong thời điểm tôi bị mất việc làm. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu về chính sách BHXH tự nguyện và được cán bộ BHXH tỉnh phân tích thiệt hơn, tôi thấy quyết định của mình là sáng suốt. Về lâu dài, việc hưởng lương hưu mới quan trọng khi tôi hết tuổi lao động. Trước mắt, tôi được hưởng bảo hiểm thất nghiệp để có đồng ra đồng vào”.

Những lao động có hoàn cảnh khó khăn thì việc tích lũy cho tương lai cũng là điều họ mong muốn. Vì vậy, khi còn sức lao động chị Phan Thị Thanh ở phường Phú Hội (TP. Huế) chọn mức đóng thấp phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Mỗi tháng đóng 138.000 đồng, chị Thanh yên tâm khi hết tuổi lao động được cầm cuốn sổ hưu. “Với số tiền chưa đến 5.000 đồng/ngày là có thể tham gia BHXH tự nguyện không phải là quá khó đối với người bán hàng rong như tôi. Qua thời điểm dịch bệnh, hàng bán chạy hơn tôi sẽ tham gia mức cao hơn để mai sau có lương hưu kha khá”.

Chính sách BHXH tự nguyện có ý nghĩa rất lớn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động tự do khi tuổi về già. Hiểu được ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó, thời gian qua, BHXH tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Từ chú trọng tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách, pháp luật sang tuyên truyền về lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cải cách của chính sách BHXH nhằm tạo sự đồng thuận của người dân. Tăng cường các hình thức tiếp cận với người dân dựa trên nền tảng công nghệ song song với tuyên truyền miệng trực tiếp, đồng thời kết hợp thường xuyên và tuyên truyền theo chiến dịch. 

Cán bộ BHXH tỉnh tăng cường gặp gỡ trực tiếp, trao đổi thông qua zalo, mesenger để tư vấn cho đối tượng, kết hợp phát tờ gấp, tờ rơi nhằm cung cấp thông tin kịp thời đến người lao động. Gọi điện trực tiếp đến những đối tượng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, giúp người dân hiểu rõ hơn về chính sách này. Nhờ đó, vẫn đảm bảo số lượng người tham gia.

Chính sách của Đảng và Nhà nước thật sự là điểm tựa vững chắc cho người lao động tự do khi về già bởi những lợi ích mà BHXH tự nguyện mang lại cho người lao động là rất rõ ràng. Để người dân hiểu được lợi ích và tự giác tham gia BHXH tự nguyện, cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng, trong đó vai trò chủ công thuộc về BHXH, với tinh thần và quyết tâm “bám dân, bám làng".

Bài, ảnh: An Nhiên