Hẳn nhiên, đó phải là một nơi chốn đẹp, có thể nhìn ngắm rất nhiều thứ và có thể dạo chơi loanh quanh không biết mệt. Thường thì đó luôn là những cảm giác về những điều khó đạt, khó với và mình cũng khó tới. Dù có khi chỉ vài ba km đường. Cũng có thể dài hơn, từ hơn 10 đến vài chục km đường mà sau này, khi đi làm, tôi thường nghe người dân xung quanh Huế gọi tên.

Cách đây khá lâu, đồng nghiệp của tôi cũng từng làm một phóng sự xúc động, về một cuộc đi thăm Đại Nội và vài nơi thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế của các cụ ông, cụ bà người Huế, sống ở Huế nhưng chưa từng một lần trong đời được vào những nơi chốn ấy. Chi phí đi lại, ăn ở và cả một chút bồi dưỡng cho các cụ các anh xin được từ nguồn tài trợ của hai doanh nghiệp. Tiếc là điều đó không được dựng thành một chương trình dài hơi hơn…

Là tôi nghĩ đến điều này khi đọc bài viết của bạn mình về việc người Huế đã đi du lịch Huế chưa. Biên độ mà bạn đặt vấn đề rộng hơn, là những cuộc “du lịch Huế” như vậy không chỉ dành cho người già, mà là câu hỏi cho những ai chưa thật sự biết Huế dù ở Huế. Đương nhiên là những địa danh được bạn nhắc, không chỉ có mỗi Đại Nội, mà còn cả những khu du lịch, resort Huế đã trở nên nổi tiếng như Bạch Mã village, suối khoáng Thanh Tân, Laguna Lăng Cô… Những điểm du lịch 4-5 sao gần đây đã “kéo” được nhiều người dân sở tại đi “du lịch” tại chỗ với các chương trình khuyến mãi, kích cầu du lịch nội địa khi COVID-19 đã được kiểm soát ở Việt Nam.

Có lẽ, đây đang là một thời điểm vàng để những người có mức thu nhập trung bình, hoặc có thể kém hơn đôi chút và cả những người có mức thu nhập tốt nữa có nhiều chọn lựa để tìm điểm đến, đặt lịch và tiến hành những chuyến du lịch nội địa của nội địa. Điều mang về, hy vọng không chỉ dừng lại ở một quãng thời gian nghỉ ngơi “vừa sức” mà còn là sự hiểu biết, niềm vui và cả tự hào về những vẻ đẹp Huế mà không phải ai cũng dễ dàng thu xếp được.

Nói những điều ấy để thấy rằng, cho dù rất nhiều khoảng cách đã được rút ngắn, trên rất nhiều khía cạnh và lĩnh vực nhưng khái niệm “đi Huế” vẫn còn là một cái gì đó còn khá xa xôi với nhiều người ở Huế và không chỉ ở Huế. Tôi muốn đặt chữ này, theo cách gọi của một đồng nghiệp ở Bắc khi bảo, anh lại đang muốn “đi Huế”, lần thứ mấy…

Nhưng “đi Huế” bây giờ không chỉ là nhu cầu và (cơ hội nữa) của nghỉ ngơi, tìm hiểu, trải nghiệm… nữa mà còn là để chia sẻ với những khó khăn đang có trong “trạng thái bình thường mới” hậu COVID-19; khi mà 89% trong tổng số trên 6.000 lao động của gần 500 cơ sở lưu trú được khảo sát trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên 930 người bị thôi việc, gần 1.300 người nghỉ việc không lương không có hỗ trợ, 2.469 lao động bị giảm lương, giảm công làm, cả một lực lượng đông đảo hơn nữa đang gặp khó khăn vì những dịch vụ cộng sinh.

Nhưng cũng phải hiểu là, để có nhiều cuộc “đi Huế”, bản thân ngành và các cơ sở du lịch cũng phải tìm cách “bày biện”, chọn lựa và mời gọi với tinh thần dịch vụ thật tốt, chứ không chỉ đơn thuần là các gói khuyến mại hấp dẫn được chào mời và truyền thông.

HOÀNG MAI