Vì sức khỏe của bản thân cũng như những người xung quanh, hãy bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt. Ảnh: Internet

Theo thống kê của ngành y tế, hút 1 điếu thuốc lá giảm 5,5 phút tuổi thọ; mỗi 6 giây có 1 người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá; số người tử vong do thuốc lá gây ra gấp 3 lần số người chết vì HIV và tai nạn giao thông. Trong khói thuốc lá chứa trên 4.000 hoá chất, trong đó có 43 hoá chất là nguyên nhân gây ung thư, nguy hiểm nhất là chất hắc ín, nicotin, chất gây nghiện... Ngoài ra, trong khói thuốc lá còn có nhiều chất kích thích khối u, kích thích gây viêm nhiễm đường hô hấp, gây tổn thương trong lòng mạch máu.

Khi hút thuốc lá, khói thuốc qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên nhiều bệnh; trong đó, bệnh tim mạch chiếm hàng đầu. Khói thuốc lá tạo ra mảng xơ vữa, tổn thương lòng mạch, gây viêm tắc mạch máu, gây đau nhức chân tay, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, giảm trí nhớ và khả năng học tập... Tiếp đến là các bệnh hô hấp, bệnh răng-lợi và bệnh ung thư. Trong đó, ung thư phế quản phổi (chiếm 90%), ung thư vòm họng, miệng, thực quản, ung thư ruột...

“Nghiện thuốc lá” là cụm từ quá quen thuộc khi nói về một ai đó hút thuốc lá như một thói quen hằng ngày và họ sẽ có cảm giác “đói” thuốc khi cơ thể không được đáp ứng kịp thời. Thậm chí, cơn thèm thuốc khiến người nghiện phải tìm hút cho được ngay cả khi cơ thể họ đã mắc các bệnh do thuốc lá gây ra.

Tài liệu của Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia nói rõ, nghiện thuốc lá là một bệnh mãn tính, như bệnh cao huyết áp hay bệnh đái đường. Do vậy, cần phải có thái độ nghiêm túc và có cách chữa trị đúng mới thành công. Không có phương pháp nào, cũng như loại thuốc nào mà có thể biến một người hút cả gói thuốc lá/ngày, thành người không hút lá chỉ sau 1 ngày. Và để bỏ thuốc lá thành công, thì người hút phải nghiêm túc rèn bản thân theo một lộ trình đảm bảo có đủ các yếu tố: Hiểu biết của cá nhân, bản thân thực sự quyết tâm và có sự hỗ trợ của người thân, bạn bè.

Theo các chuyên gia y tế, thời gian đầu cai nghiện thuốc lá người hút có thể gặp những thay đổi về cơ thể cũng như tâm sinh lý, như: khô miệng, rát họng, đau đầu, mất tập trung, rối loạn tiêu hoá, mệt mỏi, chảy nước mắt, loét miệng và tăng cân. Đã có không ít người lấy cớ từ những “tác dụng phụ” này để làm lý do chính cho việc cần thiết phải hút thuốc trở lại để “đảm bảo sức khỏe”. Trong những vấn đề thay đổi ở cơ thể trong thời gian đầu bỏ thuốc lá, đáng chú ý nhất là tăng cân. Sự tăng cân này có thể hoàn toàn có thể tránh được, nếu người bỏ thuốc tránh những chất béo, chia nhỏ các bữa ăn, ăn nhiều hoa quả, rau xanh và tập luyện nhiều hơn. Và người nào đó nếu có kéo dài tình trạng tăng cân hơn những người khác, hãy tiếp tục giữ vững sự kiên trì với niềm tin rằng: Lợi ích của việc bỏ thuốc còn giá trị hơn rất nhiều so với cái hại do tăng vài kg.

Các chuyên gia y tế đã phân tích 7 lợi ích có được nếu một người bỏ thuốc lá thành công, gồm: Hít thở dễ dàng hơn, tràn ngập năng lượng, ăn ngon miệng hơn, cải thiện đời sống tình dục, bảo vệ người xung quanh, dư ra một khoản tiền và dễ dàng hòa nhập hơn. Nhưng việc bỏ thuốc lá lại vô cùng khó khăn, nhất là với những người hút thuốc lâu năm. Do vậy, để hỗ trợ người hút thuốc lá có thể dần dần cai được thuốc, các chuyên gia đã gợi ý một quy trình cụ thể.

Trước tiên là cắt giảm số lượng thuốc lá hút mỗi ngày. Mỗi lần, chỉ hút nửa điếu thuốc. Xác định chỉ hút thuốc lá vào giờ chẵn trong ngày, tiến đến là ngày chẵn trong tuần. Cất dần những cái gạt tàn thuốc, bật lửa và vệ sinh sạch sẽ không gian, vật dụng còn vương vấn mùi thuốc lá. Rủ bạn bè hay người thân cùng bỏ thuốc lá. Đổi sang hút loại thuốc lá khác mà bản thân vốn không thích lắm và chỉ hút một mình. Cuối cùng là hãy chọn cho mình một môn thể dục phù hợp để luyện tập, vừa nâng cao thể lực vừa thêm việc để bớt nghĩ đến thuốc lá.

ĐỒNG VĂN