- ThS. LS Nguyễn Văn Phước, Trưởng Văn phòng Luật sư Huế: Vì công ty của mẹ bạn thuộc loại hình công ty cổ phần, các thành viên thành lập công ty được gọi là cổ đông sáng lập. Về nguyên tắc, cổ đông góp vốn không được rút vốn góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức (trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần). Trường hợp cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định thì thành viên Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần bị rút (khoản 1, điều 80 Luật Doanh nghiệp - DN). Theo quy định này, mẹ bạn chỉ có thể rút vốn bằng cách yêu cầu công ty mua lại số cổ phần của mình hoặc chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông sáng lập hoặc người khác theo quy định.

Do công ty của mẹ bạn thành lập chưa được một năm, nên việc chuyển nhượng cổ phần của mẹ bạn phải thực hiện theo quy định tại khoản 5, điều 84 Luật DN như sau: “Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác (nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập, nếu được sự chấp thuận của đại hội đồng cổ đông)”. Sau ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập đều được bãi bỏ; khi đó cổ đông sáng lập mới có thể tự do chuyển nhượng cổ phần của mình.

Chúng tôi lưu ý một ảnh hưởng pháp lý khi bạn rút khỏi công ty, đó là lúc bạn chuyển nhượng toàn bộ vốn (cổ phần) của mình cho người hiện là cổ đông sáng lập khác thìcông ty chỉ còn lại hai cổ đông. Điều này dẫn đến công ty không đảm bảo số lượng cổ đông tối thiểu qui định đối với công ty cổ phần (ba cổ đông) theo điểm b, khoản 1, điều 77 Luật DN. Khi đó, công ty cần đăng ký chuyển loại hình của DN từ công ty cổ phần sang công ty TNHH có hai thành viên. Trường hợp công ty vẫn muốn giữ nguyên loại hình là công ty cổ phần thì DN phải mời thêm cổ đông mới cho đảm bảo số lượng cổ đông tối thiểu để duy trì loại hình công ty cổ phần.

Bùi Vĩnh (ghi)