Cơ sở hạ tầng bền vững được xem là nền tảng quan trọng của nền kinh tế xanh. Ảnh minh họa: Taochitaichinh

Để đối phó với một cuộc khủng hoảng kinh tế sắp xảy ra, bảo vệ việc làm và các ngành kinh doanh là ưu tiên hàng đầu đối với chính phủ nhiều nước ASEAN, với nhiều gói kích thích đã được công bố. Trong hoàn cảnh đó, các nước ASEAN cần thận trọng để mục tiêu hướng tới nền kinh tế carbon thấp không bị “trật bánh”.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trước khi đại dịch xảy ra, lĩnh vực cơ sở hạ tầng của ASEAN đã bùng nổ và cần 210 tỷ USD đầu tư hàng năm cho đến năm 2030. Lĩnh vực cơ sở hạ tầng nắm giữ một trong những cơ hội tài chính xanh lớn nhất ở Đông Nam Á, một phần do nhu cầu cơ sở hạ tầng của khu vực hướng đến mục tiêu phục hồi khí hậu và hỗ trợ tăng trưởng xanh.

Nhận thức được điều này, ADB và Văn phòng Hạ tầng châu Á của Singapore đã ký một thỏa thuận hợp tác vào năm ngoái để giúp các chính phủ ở Đông Nam Á mở rộng các dự án cơ sở hạ tầng bền vững. Một số dự án cơ sở hạ tầng bền vững đã và đang hình thành ở khu vực này có thể kể đến như nhà máy điện độc lập Sembcorp Myingyan - nhà máy điện đầu tiên của Myanmar có tích hợp sản xuất điện mặt trời, cũng như nhà máy điện mặt trời nổi quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam.

Thực tế, ASEAN vẫn có nhu cầu lớn chưa được đáp ứng về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông và năng lượng. Khả năng phục hồi khi đối mặt với khủng hoảng của khu vực phụ thuộc vào sự thành công trong việc giảm bớt các mối lo ngại kinh tế ngay trước mắt, trong khi vẫn tập trung vào các mối đe dọa quan trọng như biến đổi khí hậu. Do đó, cuộc khủng hoảng hiện tại có thể được xem là cơ hội để cân nhắc và tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững trong dài hạn.

Đẩy mạnh nhận thức về cơ sở hạ tầng bền vững

Hiện tại, 90% các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á được tài trợ bởi Nhà nước, với sự hỗ trợ từ các ngân hàng đa phương như ADB và Tập đoàn Tài chính Quốc tế. Sự phức tạp của các dự án cơ sở hạ tầng đặt ra nhiều rào cản cho sự tham gia của các nhà tài chính tư nhân. Đồng thời, tài chính xanh và bền vững hiện đang thiếu trong không gian cơ sở hạ tầng, trong đó thiếu hiểu biết chung về định nghĩa cơ sở hạ tầng bền vững thường được xem là một lý do.

Việc thiếu một định nghĩa chung về cơ sở hạ tầng bền vững là một phát hiện quan trọng từ một nghiên cứu mới của Viện Các vấn đề Quốc tế Singapore. Định nghĩa này vượt ra ngoài việc xác định các yếu tố cấu thành, như năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, giao thông sạch và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời liên quan đến việc xác định các rủi ro môi trường và xã hội (E&S), cũng như các tiêu chuẩn và khuôn khổ bền vững được đánh giá.

Theo Viện Các vấn đề Quốc tế Singapore, chính phủ các nước ASEAN có thể hợp tác với ngành để trang bị cho người lao động những kỹ năng và kiến ​​thức liên quan đến tính bền vững như đào tạo về quản lý các rủi ro E&S chính và vị trí công việc tại các thị trường ASEAN khác nhau. Nó cũng có thể bao gồm việc chuyển đổi lực lượng lao động trong các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang những công nghệ sạch hơn.

Ngoài ra, các chính phủ cũng có thể thúc đẩy sự hiểu biết chung về các dự án cơ sở hạ tầng bền vững thông qua việc chia sẻ kiến ​​thức trong khu vực. Đồng thời, chính phủ cũng có thể làm việc với các tổ chức đa phương về thiết lập tiêu chuẩn khu vực chung cho cơ sở hạ tầng bền vững, từ đó cung cấp thông tin tốt hơn cho các quyết định tài chính.

Tái cấu trúc quy hoạch theo hướng bền vững

Ở nhiều vùng trong Đông Nam Á, khoảng cách về cơ sở hạ tầng tiếp tục cản trở tăng trưởng kinh tế. Đầu tư cơ sở hạ tầng là một cách phổ biến để ổn định nền kinh tế khi nó tạo ra việc làm, tạo nền tảng cho tăng trưởng trong tương lai và cải thiện khả năng cạnh tranh lâu dài.

Thực tế, đại dịch COVID-19 cũng cho thấy sự cần thiết phải đẩy mạnh việc chăm sóc sức khỏe, nước và vệ sinh, và thậm chí cả cơ sở hạ tầng viễn thông. Theo đó, các chính phủ có thể tận dụng sự gia tăng các nhu cầu hiện nay để thúc đẩy sự thay đổi theo hướng bền vững và lên kế hoạch cho các dự án cơ sở hạ tầng đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và xã hội cao hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, những căng thẳng hiện tại cho thấy cần có sự phối hợp tài chính công-tư linh hoạt hơn để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng khổng lồ của khu vực.

Đối với khu vực tư nhân, môi trường lãi suất thấp hiện tại được xem là thời điểm thích hợp để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Các nhà đầu tư cũng nhận ra một cơ hội để đa dạng hóa danh mục đầu tư, vì các khoản đầu tư bền vững đã cho thấy sự ổn định vượt trội trong thời điểm biến động.

Với tính chất dài hạn của đầu tư cơ sở hạ tầng, các quyết định được đưa ra hiện nay sẽ quyết định tương lai của chúng ta trong vài thập kỷ tới. Là một phần của việc tái thiết hậu COVID-19, đây chính là thời điểm để điều chỉnh lại quy hoạch cơ sở hạ tầng - nền tảng của nền kinh tế, hướng đến mục tiêu môi trường và xã hội hơn. Điều này sẽ làm cho các nền kinh tế ASEAN mạnh mẽ hơn và kiên cường hơn trước những cú sốc bên ngoài trong tương lai.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Eco-Business & Siiaonline)