Thả chim Hồng hoàng quý hiếm về môi trường tự nhiên

Chim quý bị đe dọa

Trung tâm Cứu hộ Bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Vườn Quốc gia Bạch Mã (QGBM) đã cứu hộ, chăm sóc và thả cá thể chim Hồng hoàng Buceros bicornis quý hiếm về môi trường tự nhiên vào ngày 29/5.

Cá thể chim quý này được ông Hồ Văn Phương ở thôn Nam Trạch, xã Lộc An (Phú Lộc) bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc vào ngày 20/5. Trước đó, ông Phương phát hiện chim lạ bay lạc vào vườn nhà, vướng vào lưới quây nuôi gà. Nghi đây là loài chim quý hiếm, ông Phương bàn giao cơ quan chức năng.

Ông Phương kể, lúc mới bắt gặp, cá thể chim này kêu thất thanh, hoảng loạn, bỏ ăn. Hơn một ngày chăm sóc, chim mới dần ổn định. “Loài chim Hồng hoàng sinh sống ở môi trường tự nhiên, núi rừng nên khó có thể lạc vào vườn nhà dân. Cá thể chim này có thể do bị các đối tượng săn bắt, khi gặp cán bộ bảo vệ rừng, kiểm lâm tuần tra, phát hiện nên thả để phi tang”, ông Phương nghi vấn.

Hồng hoàng là loài thuộc họ Hồng hoàng Family Bucerotidae, thuộc nhóm Ib (các loài động vật rừng đang bị đe dọa, nguy cơ tuyệt chủng) cần bảo tồn, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.

Trước đó, ngày 8/5, lực lượng bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ (RPH) Bắc Hải Vân đã thu giữ hơn 20 cá thể chim gầm ghì lưng nâu do một người dân trú tại xã Lộc Điền (Phú Lộc) săn bắt tại khu vực Bãi Chuối, khoảnh 1, tiểu khu 251 thuộc RPH Bắc Hải Vân. Số cá thể chim sau đó được thả về môi trường tự nhiên. Đối tượng vi phạm bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 5 triệu đồng theo quy định.

Chim Hồng hoàng lúc còn chăm sóc

Ở Việt Nam, chim gầm ghì lưng nâu đã tìm thấy ở Tam Đảo, Khe Sanh, đèo Hải Vân, Kon Tum và Đà Lạt.

Bảo tồn Trĩ sao

Ông Nguyễn Văn Lương, Phó Đội trưởng Đội Bảo vệ rừng chuyên trách thuộc Ban Quản lý RPH Bắc Hải Vân cho biết, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, tích cực bảo vệ, song nạn săn bắt chim rừng vẫn tái diễn, thậm chí ngày càng phức tạp. Hiện nay, không chỉ các loài chim quý hiếm mà cả các loài chim khác cũng đang giảm số lượng cá thể, có nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắt, giăng bẫy. Ban Quản lý RPH Bắc Hải Vân đang triển khai nhiều biện pháp bảo tồn, bảo vệ, trong đó tăng cường công tác tuần tra, gỡ bẫy, phát hiện và bàn giao các đối tượng vi phạm cho cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tại Vườn QGBM một thời tồn tại rất nhiều loài chim với số lượng lớn, chỉ cần vài phút, anh Trương Cảm, cán bộ kiểm lâm Vườn QGBM có thể “gọi” nhiều đàn chim bay về, du khách thỏa sức ngắm, nghe chim hót. Thời gian gần đây, nhiều lần chúng tôi chứng kiến anh Cảm “gọi” mãi nhưng số lượng chim quần tụ rất hiếm. Theo anh Cảm, ngoài nạn săn bắt, một phần do biến đổi khí hậu, môi trường thay đổi khiến số lượng cá thể giảm đáng kể. Một trong những loài chim quý hiếm là Trĩ sao đang có nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắt và các tác động khác.

Nhằm bảo tồn cảnh quan, sinh cảnh sống và quần thể loài Trĩ sao, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 1283/QĐ-UBND về kế hoạch, hành động bảo tồn loài Trĩ sao (Rheinardia ocellata) đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Kế hoạch, hành động này được áp dụng tập trung vào các phạm vi Vườn QGBM, Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Khu Bảo tồn Sao La tỉnh, các khu vực RPH Nam Đông... 

Các giải pháp được triển khai bảo tồn Trĩ sao và các loài chim theo kế hoạch, hành động của tỉnh sẽ tập trung vào hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành động của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, mỗi người dân thông qua các chương trình giáo dục bảo tồn, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác bảo tồn tại các đơn vị kiểm lâm, BQL RPH, rừng đặc dụng được đầu tư, hỗ trợ nâng cao năng lực, trách nhiệm. Khoa học và công nghệ sẽ được đầu tư ứng dụng, kết hợp thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học, các hoạt động điều tra giám sát để hỗ trợ công tác bảo tồn Trĩ sao cũng như các loài chim rừng…

Bài, ảnh: Hoàng Triều