UBND tỉnh cho biết, mong nhận được những hiến kế, góp ý về việc chỉnh trang, phát huy giá trị hồ Tịnh Tâm

Hồ Tịnh Tâm xưa kia là một đoạn sông Kim Long, sau được nạo vét, cải tạo vào có tên ban đầu là ao Ký Tế. Đến năm Minh Mạng thứ 3 – 1822, triều Nguyễn đã huy động hàng ngàn binh lính tham gia việc cải tạo, biến nó trở thành vườn ngự uyển. Trong hồ Tịnh Tâm có ba hòn đảo: đảo Phương Trượng nằm giữa hồ nhỏ phía bắc, giữa hồ lớn phía nam là đảo Doanh Châu và đảo Bồng Lai.

Ngày nay, hồ Tịnh Tâm nằm trên địa bàn phường Thuận Thành, TP. Huế. Tuy nhiên, trải qua rất nhiều biến cố, nhiều dấu tích tồn tại đã xuống cấp, hư hỏng. Khu vực quanh hồ cũng bị lấn chiếm, nước thải từ nhiều nơi đổ về, gây ô nhiễm và mùi hôi khó chịu.

Trước thực trạng đó, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng các cơ quan liên quan đã có kiểm tra thực tế hồ Tịnh Tâm. Ông Thọ đề nghị cần tập trung ưu tiên dọn dẹp vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp; có kế hoạch chỉnh trang, bảo tồn và phát huy giá trị danh thắng tiêu biểu của khu vực kinh thành Huế.

Thời điểm này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang triển khai trồng tre dọc hai bên đường Lê Văn Hưu (đê Kim Oanh), đồng thời làm kè tre để giữ đất, chống sạt lở. Rất nhiều ý kiến ủng hộ và cho rằng việc đó là việc làm cần thiết, giúp cho không gian của hồ trở nên đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình chỉnh trang đó, có một vài ý kiến của người dân góp ý thông qua mạng xã hội về việc trồng hàng tre dọc đê Kim Oanh. Một vị kiến trúc sư đã đề xuất thay vì trồng tre nên trồng các cây thân mộc có hoa như bằng lăng, lộc vừng, liễu rủ để vừa có bóng mát, vừa không che khuất tầm nhìn dọc hồ.

Liên quan vấn đề này, UBND tỉnh cho biết sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của người dân. Chỉnh trang, khôi phục Hồ Tịnh Tâm nói riêng cũng như các hồ trong kinh thành nói chung là mong muốn của tất cả mọi người. Và chủ trương của tỉnh là việc phục hồi và tu bổ phải tôn trọng tối đa tính nguyên gốc của các yếu tố cấu thành di tích, hạn chế sử dụng các biện pháp can thiệp vào yếu tố gốc làm thay đổi các giá trị của di tích.

Trước mắt, đối với Hồ Tịnh Tâm, tỉnh đang tập trung vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nước thải và rác thải, chỉnh trang sơ bộ quanh hồ để giảm sự nhếch nhác. Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang triển khai trồng tre dọc hai bên đường Lê Văn Hưu là giải pháp tạm thời để giữ đất 2 bên vỉa hè cũng như tạo cảnh quan khu vực hồ, gắn chỉnh trang sơ bộ với phục vụ Lễ hội Áo dài và các hoạt động Festival 2020 sắp tới. Sau thời gian này, tỉnh sẽ triển khai nghiên cứu tổng thể để có giải pháp tu bổ và tôn tạo hợp lý, mang tính lâu dài và bền vững.

UBND tỉnh kêu gọi người dân nâng cao nhận thức, không xả rác thải xuống hồ, bảo vệ môi trường khu dân cư. Ngoài ra, kết hợp ra quân Ngày Chủ nhật xanh để làm vệ sinh môi trường xung quanh Hồ. Bên cạnh đó, mong nhận được các ý kiến đóng góp, trao đổi, hiến kế trên tinh thần cầu thị, có nghiên cứu, giải thích hợp lý của của bà con nhân dân trong và ngoài tỉnh để có một giải pháp tối ưu nhằm khôi phục, chỉnh trang và khai thác hồ Tịnh Tâm một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

Bài, ảnh: NHẬT MINH