Mới đây, qua đấu giá, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã bán gọn 24% cổ phần chiến lược (tương ứng 120 triệu cổ phần) cho 2 tập đoàn tư nhân có tiếng là Vingroup và Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam. Theo đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam, hai nhà đầu tư chiến lược này sẽ đóng góp đắc lực cho sự phát triển của Tập đoàn trong tương lai.

 

Vốn điều lệ hiện nay của Vinatex chỉ có 5 nghìn tỷ đồng (Ảnh minh họa)

Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, Tập đoàn Dệt may Việt Nam được phép chọn tối đa 3 nhà đầu tư chiến lược đó là 1 nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính và 2 nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và phân phối hàng dệt may.

Các tiêu chí hàng đầu đối với nhà đầu tư chiến lược là sở hữu công nghệ, thị trường, thương hiệu trong lĩnh vực sản xuất nguyên liệu; Sở hữu hệ thống phân phối đến người tiêu dùng hoặc đến các nhà phân phối lớn tại các thị trường chủ chốt như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc; sở hữu các thương hiệu mạnh trên thị trường thế giới. Đặc biệt, nhà đầu tư chiến lược cần có năng lực tài chính mạnh và có chiến lược song hành dài hạn với ngành sản xuất dệt may.

Tuy nhiên, với hai nhà đầu tư chiến lược là Vingroup và Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam thì chỉ có thế mạnh ở lĩnh vực bất động sản, thương mại, trong khi chiến lược phát triển của Tập đoàn Dệt may Việt Nam sau cổ phần hóa là chú trọng phát triển sản xuất dệt, may, mở rộng thị trường tiêu thụ ở nước ngoài.

Nhiều ý kiến bày tỏ sự hoài nghi về khả năng trợ giúp của những đối tác này đối với tương lai của Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Lý giải về vấn đề này, ông Trần Việt- Trưởng Ban thị trường, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, đây là những tập đoàn có quy mô lớn, hoạt động đa ngành và đáp ứng được nhiều tiêu chí về năng lực quản trị, tiềm lực tài chính, năng lực phát triển thương hiệu, thị trường.

Cụ thể, Vingroup đã mua và sở hữu chuỗi siêu thị Ocean mart, trong nhiều dự án bất động sản của tập đoàn này có rất nhiều các dự án về phân phối và chuỗi cửa hàng. Còn Vingroup mới đây cũng đã khai trương một cửa hàng thời trang với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, sự khởi đầu này phù hợp với định hướng của Vinatex trong việc phát triển chuỗi cung ứng của mình theo hướng ODE, bao gồm cả yếu tố thiết kế và phát  triển thị trường nội địa.

Ông Trần Việt cho biết: “Mục tiêu của Vinatex là trước 2020 phải đạt kim ngạch xuất khẩu của toàn tập đoàn là 5 tỷ USD, tương tương với 100 nghìn tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ hiện nay của Vinatex chỉ có 5 nghìn tỷ đồng. Sự chênh lệch giữa vốn điều lệ với mục tiêu quy mô xuất khẩu như vậy là còn rất xa, có nghĩa là quy mô vốn của Vinatex có thể tăng, khi đó cơ hội cho các nhà đầu tư chiến lược khác tham gia vào. Bước đi ban đầu kết hợp với cả Vin group và VID group là bước đi phù hợp trong giai đoạn này”./.

Theo VOV