Nhiều năm qua, câu chuyện phát huy giá trị danh thắng hồ Tịnh không ít lần được xới xáo. Những người tâm huyết với văn hóa-du lịch Huế cho rằng, để hồ Tịnh hoang hóa là một sự lãng phí. Cũng không ít hiến kế đã được giửi gắm tại các hội thảo du lịch về việc phục hồi không gian hồ Tịnh gắn với thương hiệu sen. Trong một vài kỳ Festival Huế, một vài hoạt động văn hóa-du lịch cũng được khơi gợi, tổ chức nhưng không được duy trì thường xuyên. Tiềm năng hồ Tịnh lại ngủ yên trong sự hoang phế.

Cuối tháng 4/2020, UBND tỉnh cũng đã có chuyến khảo sát với mong muốn chỉnh trang đồi Vọng Cảnh thành điểm ngắm cảnh công cộng phục vụ nhu cầu của người dân và du khách. Vọng Cảnh là một trong những điểm đến với cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều điểm ngắm cảnh, có nhiều không gian có thể sử dụng với mục đích công cộng phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của người dân và du khách. Làm gì để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị sinh thái cảnh quan đắc địa của Vọng Cảnh để Huế có thêm điểm đến hấp dẫn đang là vấn đề đặt ra.

Không chỉ có hồ Tịnh hay Vọng Cảnh, câu chuyện khai thác giá trị xanh của Huế cũng đang đặt ra đối với khu vực Thượng Thành-Eo Bầu rộng lớn khi vài năm tới, toàn bộ dân cư sinh sống tại đây sẽ được di dời, trả lại hiện trạng cho khu di sản với không gian xanh gần như nguyên sơ; hay việc khai thác tuyến phố đi bộ rợp cây xanh quanh khu vực Đại Nội; không gian nước gắn với sông Hương, Ngự Hà, Đông Ba, An Cựu...

Trong nhìn nhận của giới làm du lịch, Huế là nơi mà đụng đâu cũng thấy “vàng”. Đó là “mỏ vàng” du lịch xanh, từ Vọng Cảnh, Cồn Hến, Dã Viên, Thượng Thành cho đến Kim Long, Nguyệt Biều, Bạch Mã....Và cả hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á.

Sau hàng chục năm phát triển, du lịch Huế, vẫn chưa thể khai thác hiệu quả mỏ vàng xanh này, dù cách đây gần 10 năm, một hội thảo về du lịch xanh đã được tổ chức ở Huế với nhiều ý tưởng, kỳ vọng. Dù những sản phẩm du lịch nhỏ lẻ đã từng manh nha, như tour tham quan vườn rau Thượng Thành cách đây nhiều năm. Hay một đề án phát triển du lịch đầm phá đã được hoạch định từ nhiều năm trước, nhưng sản phẩm du lịch đầm phá đến nay vẫn đơn lẻ, bình dân...

Với lộ trình đặt ra trong việc xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên nền tảng di sản-cảnh quan thiên nhiên-môi trường, chắc chắn, chiến lược khai thác, đánh thức tiềm năng xanh của Huế sẽ được đặt ra, xúc tiến.

Từ  sự sốt sắng vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh, gần đây, động thái đánh thức tiềm năng xanh của Huế đã có nhiều chuyển biến. Điển hình như dự án mở rộng tuyến đi bộ dọc sông Hương ở bờ Bắc và bờ Nam đang được xúc tiến, mở ra triển vọng trước mắt về điểm nhấn không gian xanh cho đô thị Huế. 

Nhưng với nguồn tiềm năng xanh đa dạng, to lớn và giá trị, để Huế phát triển trên nền tảng cảnh quan môi trường, chắc chắn cần có chiến lược tổng thể về quy hoạch, kêu gọi đầu tư, hoàn thiện hạ tầng... Trong đó, bài toán kêu gọi những nhà đầu tư chiến lược, có tâm, có tầm là điều kiện quan trọng để gỡ nút thắt trong việc đánh thức mỏ vàng xanh ở Huế.  

Kim Oanh