Vào độ tuổi đã bắt đầu có vài lúc trí nhớ bị thất lạc, lại không phải là một người quá am hiểu về công nghệ, cộng thêm một chút hơi thiếu khoa học trong việc sắp xếp trật tự của các chuỗi để hình thành những password dễ nhớ… tôi có lúc đã nghĩ rằng, mình đã quá lệ thuộc vào các từ khóa mở những cánh cửa, để làm việc và tương tác trên không gian mạng. Nhưng ít nhất thì, chúng cũng giúp cho tôi rất nhiều thứ. Chẳng hạn như đọc và cập nhật thông tin, kiến thức, kết nối, trò chuyện và trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp, thể hiện trạng thái, góc nhìn và quan trọng nhất là quản trị công việc trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, những điều đó không có nghĩa tôi (hay ai đó) đã trở thành công dân điện tử. Nói một cách chính xác thì chúng ta đã được hỗ trợ và nhận biết, rút ngắn rất nhiều công đoạn mà internet mang lại. Nền tảng này đang ngày càng trở nên đa dạng và đa diện hơn. Việc giúp ích hay không, theo tôi, còn phụ thuộc vào cách chúng ta đã và đang tiếp tục “sống” trong hệ sinh thái này như thế nào. Còn phụ thuộc vào nhận thức, sự lựa chọn và đứng từ một góc độ nào đó, còn ở chỗ bản lĩnh của người tiếp nhận, tương tác. Là cách mà chúng ta điều khiển hay bị điều khiển khi hoạt động trong hệ sinh thái này.

Đôi khi tôi giật mình khi iphone của mình “báo cáo” thời gian mà tôi đã hoạt động trong ngày, trong tuần; về sự tăng hay giảm thời lượng mà tôi đã “loay hoay” trên đó. Nếu nhiều hơn, cũng có nghĩa là tôi cũng đã mất đi một khoảng thời gian trong đời sống thực. Cũng có thể đó là điều cần thiết, vì một lý do chính đáng nào đó như tần suất công việc phải xử lý, chẳng hạn. Nhưng thú thật, nhìn từ bản thân mình, tôi vẫn nhận thấy rằng, có vẻ như mình đã lạm dụng phần nào đó việc sử dụng thiết bị công nghệ. Có những việc không hề cần thiết, ngay cả việc nhận ra những thông tin này kia là vô bổ, cũng có nghĩa là mình cũng đã bị cuốn đi bởi những điều vô bổ.

Không rõ đã có bao nhiêu cuộc khảo sát về cách mà con người đã sử dụng các tài khoản mạng như thế nào, để làm gì. Việc đánh giá cái có ích, cái được ảnh hưởng và bị ảnh hưởng có lẽ cũng còn là một trạng thái vô chừng, tùy từng cá thể, môi trường… nhưng có vẻ như, mọi thứ đều đang song hành cùng nhau. Rất dị ứng là điều mà bản thân tôi cảm thấy khi người ta chăm chú vào cái màn hình bé xíu hơn là lắng nghe, bất kể đó là một buổi thảo luận, hay trò chuyện giữa một nhóm người với nhau. Ai đó có thể nói về việc đã cảm thấy như thế nào khi có rất nhiều người nhìn vào smartphone của mình thay vì lắng nghe? Đương nhiên điều này cần được nhìn nhận cả từ phía diễn giả, nhưng sự thờ ơ, dường như vẫn đang thuộc về số đông.

Nhưng có vẻ như tôi vẫn đang mâu thuẫn với chính mình. Bằng chứng là tôi (rất nhiều khi trong một cuộc nào đó) vẫn phải chú mục trên trình duyệt đang có trên màn hình để “xuôi” việc, vì mọi thứ đều được thực hiện trên hệ sinh thái đó, được update liên tục và không thể chờ đợi.

YÊN MINH