Các nước ASEAN đối mặt với nhiều thách thức mới sau đại dịch. Ảnh minh hoạ: Internet

Theo đánh giá của các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, những tiến bộ mà khu vực đã đạt được về sự gắn kết chính trị, hội nhập kinh tế và trách nhiệm xã hội đang đưa ASEAN thành một khu vực hướng ngoại trong cộng đồng toàn cầu. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đang khiến tiến trình này trở nên khó khăn hơn.

Thực tế, đại dịch đã phơi bày sự thiếu chuẩn bị và kém hiệu quả của các thể chế và cơ chế đa phương, dẫn đến rất nhiều phản ứng đơn phương trong khi cần có các hành động tập thể, đa phương. ASEAN và các tổ chức tương tự cũng chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch, cả về mặt hoạt động và kinh tế. Các biện pháp hạn chế đi lại quốc tế và khu vực, giãn cách xã hội và các yêu cầu khác nhằm ngăn chặn đại dịch đã khiến các cuộc họp trực tiếp không thể thực hiện được. Đến nay, nhiều sự kiện như Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ ở Las Vegas dự kiến diễn ra vào tháng 3 và Hội nghị cấp cao ASEAN đầu tiên trong năm nay vào tháng 4… đã phải hoãn lại hoặc thậm chí hủy bỏ.

Hiện tại, các nhà phân tích cho rằng, một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN là phải đặt nền tảng cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe vững mạnh hơn trong một khu vực có sự chênh lệch lớn về kinh tế và xã hội. Trong khi Singapore có 2,3 bác sĩ/1.000 dân, cao hơn mức trung bình toàn cầu 1,5 bác sĩ/1.000 dân, thì con số này là chưa đến 1 bác sĩ/1.000 dân ở Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, theo Ngân hàng Thế giới.

Hệ thống y tế ở các nước ASEAN không đồng đều. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Mặc dù ASEAN có Thỏa thuận công nhận lẫn nhau đối với các bác sĩ y khoa nhằm chuẩn hóa trình độ chuyên môn giữa các quốc gia, nhưng trong thực tế, nó không hoạt động vì những khác biệt trong chứng nhận và rào cản ngôn ngữ. Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, các tiêu chuẩn sức khỏe chung sẽ cần được đảm bảo trước khi các quốc gia thành viên có thể nghĩ đến việc mở cửa lại biên giới và nối lại các nỗ lực hội nhập.

Trong khi đó, vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đại dịch và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống khác đã xuất hiện thay vì những thách thức địa chính trị và kinh tế truyền thống mà các quốc gia thành viên phải đối mặt trong quá khứ. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo khu vực đã nhanh chóng thích nghi với tình hình mới bằng các cuộc họp trực tuyến. Sự hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích cho ngành y tế công cộng mà còn cho các kế hoạch hành động xây dựng Cộng đồng ASEAN trong bối cảnh mới.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh một số thiếu sót trong hội nhập và hợp tác giữa các nước ASEAN được bộc lộ trong đại dịch, khối cũng phải đối phó với tác động của sự gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung. 

Một vấn đề quan trọng khác cần được lưu ý là bất kỳ thỏa thuận nào đạt được tại các cuộc họp – trực tuyến hoặc trực tiếp, đều phải được triển khai thực sự. Điều này có thể sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh đại dịch và các hậu quả kéo theo của nó.

Theo Bangkokpost, với tình hình hiện tại, chắc chắn sẽ rất khó để thúc đẩy các sáng kiến ​​khu vực tại thời điểm này, khi việc xây dựng lại nền kinh tế quốc gia hậu đại dịch sẽ là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia thành viên.

Cũng có những dấu hiệu rõ ràng rằng thế giới, trong đó có ASEAN, sẽ phải đối mặt với những tổn thương vĩnh viễn và những điều chỉnh mới khi chuyển sang thời kỳ hậu đại dịch. Nhưng đồng thời, điều này cũng sẽ mang đến cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách trong khu vực đánh giá lại và củng cố các hệ thống và thể chế để khu vực trở nên kiên cường hơn và chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.

Tố Quyên (Lược dịch từ BangkokPost)