Hạn chế xả thải và thu gom rác nhựa ở các môi trường tự nhiên đầm phá, bờ biển là hành động thiết thực vì thiên nhiên

Đây là thời điểm mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất thông qua khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn lợi tự nhiên, trồng cây xanh, hạn chế và xử lý đảm bảo các loại chất thải, nhất là rác thải nhựa,...

Trên thực tế, riêng sản xuất lương thực trên toàn cầu chiếm 25% diện tích đất lưu trú, tiêu tốn khoảng 70% lượng nước ngọt, góp 80% vào nạn chặt phá rừng và 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đó là nguyên nhân lớn nhất của sự mất đa dạng sinh học. Chưa kể những lĩnh vực sản xuất, hoạt động khác đang tác động tiêu cực đến thiên nhiên.

Các loại thực phẩm chúng ta ăn, không khí chúng ta hít thở, nước chúng ta uống và khí hậu trái đất đều đến từ thiên nhiên. Chẳng hạn, mỗi năm, thực vật biển sản xuất hơn một nửa lượng O2 trong khí quyển của chúng ta và một cây trưởng thành làm sạch không khí của chúng ta, hấp thụ 22 kg CO2, giải phóng O2.

Đối với cây xanh, các hệ thảm thực vật đóng góp rất lớn trong việc cải thiện điều kiện khí hậu. Chúng tham gia điều hoà chế độ nhiệt nhờ khả năng hấp thu 70% tia ánh sáng để quang hợp. Mùa hè, nơi không có cây xanh, nhiệt độ thường cao hơn từ 1-3 độ C so với cùng khu vực có cây xanh. Cây xanh còn giúp đối lưu không khí, tạo luồng gió nhẹ và làm tăng độ ẩm không khí, trong đất, hạn chế khô hạn, lũ lụt, ngập úng...

 Trước tình hình khí hậu toàn cầu đang có những biến đổi lớn, bất lợi đối với cuộc sống con người, thì vai trò của trồng và bảo vệ cây xanh, những khu rừng bản địa, rừng ngập mặn cũng như các hệ sinh thái càng trở nên đặc biệt quan trọng. Các khu vực từ vùng núi đến ven biển trên địa bàn tỉnh sẽ an toàn hơn khi có các đai rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn làm nhiệm vụ phòng hộ che chắn, chống xói lỡ đất, cát. Ngay cả muốn phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, nghiên cứu khoa học... cũng phải dựa vào tiềm năng đa dạng sinh học về rừng, đầm phá, biển.

Điều này chứng tỏ, đa dạng sinh học là nền tảng hỗ trợ tất cả sự sống trên cạn và dưới nước, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của sức khỏe, tuổi thọ con người.

Ở Thừa Thiên Huế, ngoài đa dạng sinh học về rừng, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, nơi vừa được công nhận thành lập khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước có hầu như tất cả các giá trị mang tính đa dạng sinh học cao. Hệ sinh thái Tam Giang - Cầu Hai bao gồm rừng ngập mặn, các vùng đầm lầy, vùng đất ẩm ướt, những bãi triều, cửa sông, chân ruộng, vách núi đá... Đó là môi trường thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển của nhiều loài động, thực vật, các loài thủy, hải sản. Chính hệ sinh thái này cung cấp các sản phẩm, các lợi ích từ chức năng sinh thái cho con người và tự nhiên, nhất là đóng vai trò quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội và môi trường bền vững.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN