Một phần khu tập thể thành nơi tụ tập cà phê của rất nhiều người. Ảnh: AN CHI
Nhớ đêm trước, nằm dài trên chiếc chiếu trúc dưới phòng và nghe ngoại thủ thỉ về căn nhà cũ ở khu tập thể, ngoại bảo đoạn ấy, có được vậy là tốt lắm rồi. Thời mà tôi chưa sinh ra, tức độ năm một nghìn chín trăm mấy mấy, hàng quán không phát triển như bây giờ. Nơi nào được xây dựng lên để ở, thì chắc chắn chỉ là nơi để trở về, chứ không thể làm gì khác hơn được. Họa chăng, thời đó ít người đủ dũng khí, hay tài chính để nghĩ và triển khai về phương án kinh doanh trong chung cư, khu tập thể như lứa trẻ kiểu này chẳng hạn...
Khi chưa có các “chuồng cọp”, hay phòng ngoài cơi nới ra, ngôi nhà rộng chừng 44m2 gồm 1 phòng ngủ, 1 bếp và phòng khách, khu vệ sinh gói gọn đã là nơi cản nắng, che mưa và nhìn thấy sự già đi của biết bao thế hệ. Không chỉ là ông bà, cha mẹ, con cái, lắm lúc còn cả cậu mợ, anh chị em họ hàng từ xa đến trú cùng để tiện bề đi lại. Trong không gian mấy chục mét vuông ấy, dễ mà hiểu được cảnh 6,7 người ở cùng là quá chật. Và chắc chắn đã có rất nhiều đêm, nhiều cái vắt tay lên trán mà trằn trọc, thao thức nghĩ về ngôi nhà lớn có vườn tược đủ đầy, phòng ngủ riêng biệt và phòng khách thênh thang ở một mảnh đất đủ rộng rãi. Là vậy, nên chắc chẳng ai ngờ có một ngày, nơi chật chội ngày nào lại trở thành điểm đến yêu thích của nhiều người, cũng như trở thành tiệm kiếm cơm của nhiều ông bà chủ.
Một góc cửa hàng kinh doanh thời trang trong khu tập thể. Ảnh: Conmeoden
Chỉ một vòng các cầu thang ở khu tập thể (chung cư) Đống Đa chừng 2-3 năm đổ lại đã bắt đầu có nhiều căn hộ chuyển mình từ nơi cư ngụ của gia đình thành nơi kinh doanh đặc sắc. Không giới hạn mô hình, địa điểm, phòng lớn tầng trệt hướng ra mặt đường có thể biến thành quán cà phê; căn hộ rộng sẽ là nhà kho ký gửi, hoặc nhà nhỏ và ở tít trên tầng sẽ được chọn làm văn phòng của một công ty, doanh nghiệp, thậm chí là một quán cà phê nhỏ với sức chứa chỉ tầm 10 khách.
Về phía các chủ buôn, một số mở quán để tận dụng căn nhà cũ của mình. Một số khác, trong đó phần lớn là “ông, bà” chủ trẻ vốn thuê lại một căn hộ để ở, nhưng ấp ủ trong mình đam mê buôn bán, nên kết hợp thành mô hình kinh doanh tại gia. Lâu dần, số lượng người “kinh doanh tại gia” ở khu vực này càng đông, cộng thêm nhìn thấy tính độc đáo, nên ngày càng nhiều người chọn thuê khu tập thể chỉ để mở quán.
Quán cà phê ở khu tập thể cũ hút khách. Ảnh: AN CHI
Chỉ riêng giới trẻ, phục vụ cho lứa khách này thì áo quần, cà phê được coi là những nhu cầu cần thiết nhất. Là tín đồ mua sắm, người Huế thời này chẳng dễ gì mà bỏ sót bất kỳ một cửa hàng nào, bất chấp việc quán ấy ở mặt tiền, trong ngõ, thành thị hay phải chạy tuốt xuống vùng quê cũng kệ. Chỉ khác ở điểm mở bán, nên tại các khu chung cư, cửa hàng chuyên đồ si, đồ mới, hay thậm chí là áo quần, giày dép thiết kế cũng đủ cả. Ai mà ngờ được, căn hộ ngày trước chỉ nhìn rõ giường, bàn, chiếu, kệ lúc này đã biến thành nơi cư ngụ của hàng chục giá đỡ móc áo quần chờ khách hàng đến lựa. Với kiểu nhà hơi cũ, mảng sơn tường đã chỗ tróc, chỗ còn, phần lớn các cửa tiệm đều được trang trí theo phong cách retro hay vintage để vừa hợp thời, lại không tốn quá nhiều chi phí tu sửa, trang trí. Mấy năm trở lại, không khó để nhìn thấy các nhóm bạn dừng xe nép dọc con hẻm nhỏ dài rồi khấp khởi lựa áo, quần như những dân chuyên ngoài chợ. Với chỉ khoảng 44m2 đã xây từ trước, nên cửa hàng tuy chật, nhưng được cái mát mẻ, sạch sẽ và đặc biệt là có riêng cảm giác vừa cũ cũ, vừa lạ lạ nên ai cũng đâm đầu vào lựa. Lúc vào thì chẳng biết họ mong chờ gì, nhưng đoạn ra có thể người này khệ nệ túi túi, bì bì, người kia lại tay không rồi ngắn dài than thở, song hiếm có trường hợp nào nhăn mặt chê trách, bởi cảm giác mua sắm ở một địa điểm hoàn toàn khác ít gì cũng là một khám phá đầy thú vị.
Rồi không chỉ phục vụ mua sắm, hàng quán cà phê lúc này cũng chọn các khu chung cư, tập thể cũ mà mở ra la liệt. Ở khu tập thể xưa, nên phần lớn cửa hàng đều chuộng phong cách decor chung trông có vẻ hoài niệm với bộ bàn ghế gỗ tròn thấp, khăn trải bàn nilon hoa và ấm nước nhiều khi cũng hơi sứt mẻ chỗ này chỗ nọ. Khách hàng dạo này trẻ hơn, hoặc đã bớt phần khó tính, hay kỳ thực là thấy thú vị, nên trong một đợt vào hàn huyên, tôi đã cùng mấy đứa bạn nữa cứ mân mê quai ấm trà hơi mẻ rồi chụp ảnh, cười cười và lại hùa vào những câu chuyện dài bên lề cuộc sống. Những vị khách lớn tuổi hơn, cũng vào cùng quán để nhấp nhấp ngụm trà trong đúng không gian này ngày xưa mình đã hít thở hằng ngày rồi cùng nhau hoài niệm.
Không dừng lại, quy mô kinh doanh đa dạng đến mức mấy lần trở về thăm hàng xóm cũ, tôi đã thấy không dưới 1 căn hộ đã thêm tên mới, từ bảng địa chỉ “P.20x, dãy A, Khu tập thể Đống Đa” thành đèn hiệu “Studio YY” hay “Văn phòng tư vấn dịch vụ ABC”... cũng đủ cả. Thậm chí, một số bạn chỉ tranh thủ đến để tựa lưng vào các mảng tường loang lổ tróc, nhìn xuyên qua các ô thông gió cũ kỹ để làm cho mình vài bộ ảnh để đời.
Hôm rồi đọc qua kế hoạch cải tạo khu nhà cũ nơi mình từng ở, tự nhiên ở một khoảnh khắc tôi thấy lòng buồn dữ lắm. À thì ra loạt khu tập thể kiểu này đã đến lúc phải thay thế bởi những thiết kế mới mẻ hơn. Không biết còn được về lại nhà thắp nén nhang, tham gia bữa giỗ cùng cô dì, chú bác thêm mấy lần nữa. Không rõ còn được thưởng cái mới trong chốn cũ thêm được mấy phần. Thôi, chẳng biết làm gì khác hơn được, cứ năng lui tới đến khi nào thôi có thể vậy.
AN CHI