Việt Nam tung nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu du lịch nội địa. Ảnh minh hoạ: VOV

UNWTO ước tính rằng, ngành du lịch châu Á-Thái Bình Dương đang chứng kiến những tác động tiêu cực nhất từ ​​COVID-19, với lượng du khách giảm gần 33 triệu lượt trong 3 tháng đầu năm 2020. 

Ngoài ra, đại dịch cũng kéo theo những tác động môi trường. Nhiều khu vực nông thôn đang chịu áp lực từ sự thay đổi cách sử dụng đất, mất đa dạng sinh học và các hoạt động săn bắt trộm bất hợp pháp. Đánh bắt cá, khai thác mỏ, phá rừng và các hoạt động bất hợp pháp khác đang có xu hướng gia tăng. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát khiến các bệnh viện và cơ sở y tế phải hoạt động hết công suất, chất thải y sinh theo đó cũng đang gia tăng. Song song đó, việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần cũng tăng lên do sự bùng nổ nhu cầu trong ngành giao nhận đồ ăn, thức uống trong thời gian đại dịch.

Hiện tại, nhiều quốc gia đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm dịch và xây dựng lại lịch trình các chuyến bay, cho thấy ngành du lịch đang có dấu hiệu quay trở lại. Tuy nhiên, để ngành công nghiệp này có thể phục hồi một cách mạnh mẽ như một động lực tốt cho cả nền kinh tế và môi trường, việc hoạt động không thể trở lại theo con đường cũ. Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đề ra 4 ưu tiên cho quá trình phục hồi của ngành du lịch.

1. Thúc đẩy du lịch nội địa

Một khi ngành du lịch hoạt động trở lại, du lịch nội địa sẽ là trọng tâm. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á khởi động lại ngành du lịch nội địa, với các gói giảm giá và chương trình khuyến mãi nhằm thúc đẩy nhu cầu của người dân. Các quốc gia khác cũng đang tập trung vào một vài vị trí đắc địa để thu hút khách du lịch. Điều này mang đến cơ hội tạo nhiều việc làm và là nguồn thu nhập khổng lồ cho các ngành du lịch địa phương. Tuy nhiên, nó cũng đẩy các điểm đến vào mối lo ngại rơi vào tình trạng du lịch đại trà -  hiện tượng một điểm đến du lịch phát triển quá nóng, thu hút quá nhiều du khách, dẫn đến nguy cơ quá tải, gây hại cho môi trường. Do đó, việc xây dựng lại ngành du lịch và mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm bổ ích phải được thực hiện bằng cách tìm ra các lựa chọn thay thế cho du lịch đại trà, ví dụ như du lịch nông thôn bền vững, du lịch tự nhiên và du lịch theo chủ đề. 

2. Bảo vệ sinh thái

Các khu vực nguy cấp không được bảo vệ và sự chú trọng tập trung vào đại dịch của các chính phủ đã dẫn đến sự gia tăng tội phạm trong các hoạt động tự nhiên. Với sự sụt giảm trong ngành du lịch hoang dã, dòng doanh thu cho bảo tồn cũng đã cạn kiệt. Theo ADB, cần có luật nghiêm ngặt để bảo vệ sự đa dạng sinh học và xử lý các hoạt động bất hợp pháp. Để bảo vệ sự cân bằng sinh thái từ du lịch, chính phủ có thể cân nhắc việc tăng cường tập trung và đầu tư vào xây dựng năng lực và đào tạo; bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương và người dân bản địa ở khu vực khai thác du lịch…

3. Cải thiện cơ sở hạ tầng

Cơ sở hạ tầng cho việc quản lý chất thải cần phải được cải thiện và tất cả các nơi công cộng phải có quy định để xử lý an toàn chất thải y tế sinh học. Tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ vệ sinh và nước sạch, cùng với việc thúc đẩy các biện pháp vệ sinh tốt như rửa tay, cũng sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, cũng cần có các ưu đãi hợp lý cho các nhà cung cấp dịch vụ internet để cải thiện việc kết nối tại các điểm du lịch.

4. Cải cách các hãng hàng không

Theo ADB, cần xem xét lại các khoản thuế cho các hãng hàng không. Nhiều công ty hàng không đang đứng bên bờ vực phá sản, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu đối với các gói giải cứu của chính phủ. Tuy nhiên, các khoản tài trợ này phải đi kèm với các điều kiện ưu tiên cải thiện môi trường. Ví dụ, tại Pháp, một gói cứu trợ trị giá 7 tỷ euro cho Air France được đưa ra đi kèm với yêu cầu hãng này phải trở thành “hãng hàng không xanh nhất thế giới”. Các động thái khác có thể đề cập tới bao gồm ngưng vận hành các máy bay không hiệu quả, giảm số lượng chuyến bay khi nhu cầu thấp và cung cấp thông tin về khí thải cho các hãng bay.

Một khi được kết hợp với nhau, các chiến lược này có thể giúp đảm bảo rằng các quyết định chính sách sẽ được đưa ra một cách khoa học và cẩn thận, đảm bảo du lịch có thể là một trụ cột cơ bản trong tiến trình phục hồi kinh tế của các nước. Khi được lên kế hoạch và thực hiện một cách hợp lý, du lịch sẽ là một ngành có thể tương xứng với tiềm năng trở thành động lực của phúc lợi xã hội, kinh tế và môi trường, ADB nhận định.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ ADB)