Cầu Chui nằm cạnh cầu sắt Bạch Hổ và cầu đường bộ Dã Viên
Tuyến đường bộ Bùi Thị Xuân bây giờ có chiếc cầu Chui bắt qua được hình thành từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, nguyên dạng con đường đất nhỏ, qua thời các vua Nguyễn, đường được sửa sang mở rộng tạo lối đi dễ dàng cho các đoàn hộ giá, nghinh rước vua quan và các đội tượng mã lên đấu trường Hổ Quyền.
Trước năm 1945, người Pháp đặt tên là đường Arènes (Rue des Arènes). Riêng đoạn từ cầu Ga đến nhà máy nước cũ, thường được gọi là đường Bồ-ghè (Rue Bogaert). Sau năm 1956 đặt lại tên là đường Huyền Trân Công Chúa (chỉ kéo dài từ cầu Ga đến cầu Chui, song dân gian thường cứ gọi là đường Huyền Trân, kéo đến nhà thờ Tổ nghề Đúc Đồng). Đầu năm 1977, đường này được đặt lại tên mới là Bùi Thị Xuân. Giờ đây, tuyến đường này trở thành nơi giao thương, du lịch cho người dân phía Tây Nam TP. Huế là phường Phường Đúc và phường Thủy Biều.
Tháp nước Dã Viên nằm cạnh cầu Bạch Hổ và cầu Chui theo cùng thời gian tạo dấu ấn văn hóa của người dân Huế
Theo ký ức của cụ Nguyễn Oanh, quê ở xứ Truồi (Phú Lộc) - nguyên "kỹ sư" gắn bó với hoạt động duy tu bảo dưỡng đường sắt khu vực Bình Trị Thiên gần 30 năm trong thời chiến tranh, cầu Chui không có gì xa lạ với cụ. Cụ Oanh nay đã 93 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn minh mẫn vui vầy sống với con cháu ở đường Bảo Quốc, TP. Huế. Cụ nói, so với những cây cầu trên tuyến đường sắt Bắc- Nam, cầu Chui ở Huế được thiết kế xây dựng đơn giản nhưng cũng tập trung gia cố móng hai bên cũng như dầm cầu với tĩnh không không cao và không cao hơn cầu Bạch Hổ nhưng chịu được lực tải trọng đoàn xe lửa khổng lồ qua lại.
Mặt bằng trên cầu Chui hiện vẫn đảm bảo tàu lửa qua lại an toàn
Mục đích khi người Pháp thiết kết xây dựng cầu Chui đều ưu tiên cho ngành đường sắt nhưng đồng thời đảm bảo an toàn cho người qua lại bên dưới. Cụ Oanh cho rằng, điều cụ phải học những kỹ sư làm cầu người Pháp là cách làm việc rất khoa học. Dù cầu lớn hay nhỏ đứng trên địa hình thuận lợi hay phức tạp, họ đều lập hồ sơ tỉ mỉ để thế hệ sau có thể tìm hiểu công trình, phục vụ việc bảo dưỡng, trùng tu đúng quy cách, kỳ hạn... Vì lẽ đó, đến giờ, cầu Chui gần 120 năm kể từ khi ra đời dù có thời điểm nâng cấp cải tạo, nhưng vẫn giữ cốt cách, nguyên trạng như xưa...
Cầu Chui tuy không gắn liền với một địa danh, một địa chỉ văn hoá vùng đất nhưng khi gợi nhớ đến, nhiều người đều dành tình cảm gần gũi, thân thương. Cây cầu đã tạo nên những kỷ niệm đẹp khó quên với người dân Huế qua 2 thế kỷ.
Mẹ tôi, sống vùng ven đô cách TP. Huế về phía Nam hơn 10 cây số nhưng cũng khá rõ về cầu Chui. Thời khói lửa chiến tranh mẹ bán hàng xén (gạo lẻ) ở vùng phường Phường Đúc, Thủy Biều (bây giờ), nên thường qua lại cầu Chui mỗi sớm chiều.
Bà kể, vào những thập niên 60-70, chiến tranh diễn ra ác liệt, nhiều công trình nhà cửa, đường sá bị phá vỡ, hư hỏng, chia cắt nhưng cầu Chui chưa bao giờ có dấu vết bom đạn. Nó chễm chệ, hiên ngang lần lượt đón những chuyến tàu vào mỗi sớm, mỗi chiều...
Thú vị hơn, hồi ấy dù khói lửa chiến tranh nhưng thỉnh thoảng vào dịp cuối tuần, nhiều nam thanh nữ tú lại đạp xe qua cầu Chui ngược lên vùng Nguyệt Biều hóng mát. Khi về dựng xe lại bên cầu Chui chụp hình lưu niệm với tấm bảng "khai lý lịch" hay lấy phông nền tháp nước Dã Viên và những mái vòm mái nhịp hai bên cầu Bạch Hổ...
Khi chiến tranh lùi vào lịch sử thì nỗi lo cơm áo khó khăn cuốn đến và cầu Chui lại tiếp tục là chứng nhân thời cuộc. Những thế hệ 8X, 9X thời nay không biết mấy về cầu Chui nhưng với nhiều người cao tuổi ở TP. Huế thì có nhiều kỷ niệm khó quên. Người dân xóm nhỏ ở cạnh Ga Huế vẫn nhớ những năm cuối thập niên 1970, 1980, cầu Chui là một địa chỉ có tiếng của dân "nhảy tàu". Đó là thời kỳ quá khó khăn, không phải ai cũng có điều kiện mua được vé xe lửa để vào Nam, ra Bắc nên liều lĩnh chọn cách "nhảy tàu" để lên được chuyến hành trình. Lợi dụng lúc tàu lửa vừa xuất phát ở Ga Huế qua cầu Chui, cầu Bạch Hổ đang chạy chậm, người đi "chui" trốn sẵn hai bên mố cầu hay bên thành cầu để lén nhảy lên tàu.
Hồi đó, lúc tôi khoảng 12 tuổi, tôi còn nhớ có một người tên H.V.Chắc, sống ở khu vực Ga Hương Thủy thạo "ngón nhảy tàu". Mỗi khi tàu lửa qua lại khu vực cầu Chui rất chậm nên anh Chắc có cơ hội lên tàu, xách hàng mối rồi ném xuống cho "đồng môn" chờ bên dưới. Hồi đó, dù trên tàu hoặc ở Ga Huế có đội quân bảo vệ trật tự khá nghiêm ngặt, nhưng cầu Chui là địa chỉ thuận lợi cho anh và nhiều người tạm sống nhờ nghề "nhảy tàu" bạt mạng kiếm tiền.
Bên cạnh gợi nhớ cầu Chui một thời hỗ trợ cho người nghèo kiếm cơm bằng nghề "nhảy tàu" dễ chết vẫn còn có nhiều kỷ niệm thân thương khác.
Ông Nguyễn Sơn (52 tuổi, sống ở khu vực cầu Chui, hiện trú 10/6, Tôn Thất Tùng, TP. Huế) chia sẻ, cuộc đời ông gắn bó với cầu Chui ngay từ khi lọt lòng mẹ. Hình ảnh cầu Chui khắc sâu trong tâm trí ông, nhất là thời thơ ấu. Đó là những tháng ngày ông chứng kiến bao mẹt, thúng hàng rong, hay tiếng rao đêm của các mẹ, các chị ở phường Đúc, Thủy Biều bán hột vịt lộn, mì gõ qua lại cầu Chui để xuống phố hay vào ga Huế bán cho khách kiếm tiền nuôi con.
Cầu Chui bây giờ chỉ vừa đủ cho ô tô dưới 7 chỗ qua lại
Ông Nguyễn Hòa (quê ở Hiền Sĩ, Phong Sơn, Phong Điền) theo gia đình vào xóm Ga định cư trước ngày quê hương giải phóng, hiện sống ở KQH Bàu Vá, phường Thủy Xuân, TP. Huế khi nghe tôi gợi hỏi về cầu Chui, gương mặt ông lại bồi hồi đăm chiêu.
Ông Hòa kể, hồi ông tầm 14-15 tuổi, lúc ấy vào cuối thập niên 70, gia đình ông rất nghèo, đông anh em. Hàng ngày, anh em ông chỉ có hai bữa sắn và hạt bo bo thay cơm. Dù khổ như thế, nhưng mỗi chiều cuối tuần ông lại rủ bạn đến cầu Chui rồi băng qua cầu Bạch Hổ để câu cá sông Hương và ngắm xe lửa vào Ga Huế. Mà như lời ông kể, con nít hồi ấy khoái ngắm tàu lửa lắm. Khi ngắm xong về nhà còn bày trò chơi tàu lửa qua cầu xình xịch...
Mặc dù đường Bùi Thị Xuân và cầu Chui nhiều lần nâng cấp cải tạo; trong đó vào năm 2012 từ dự án ODA Nhật Bản hỗ trợ, cầu Chui được cải tạo thay hệ dầm thép đến nay vẫn sử dụng tốt nhưng khẩu độ hẹp, gây khó khăn cho người và phương tiện giao thông qua lại. Hiện nay, hàng ngày phương tiện xe cộ, người dân qua lại đường Bùi Thị Xuân ngày một đông đúc, thậm chí vào giờ cao điểm đã trở nên quá tải, nhất là tại điểm cầu Chui.
Không chỉ là điểm đen trên đường giao thông, ở khu vực cầu Chui chỉ cần trận mưa kéo dài vài giờ đồng hồ là đã thành hồ nước khiến giao thông bị gián đoạn. Cũng vì những ách tắt đó, có thời điểm người dân Huế mơ một ngày nào đó Ga Huế được dời ra vùng ngoại ô, để cầu Chui phá dỡ và đường Bùi Thị Xuân thông thoáng hơn. Nhưng mơ chỉ là mơ vì đó là tầm vĩ mô mà ngành đường sắt Việt Nam chưa dám nghĩ đến. Trong câu chuyện này chưa nói đến tiền bạc nhưng với giả thiết "xóa sổ" cầu Chui phải nghĩ đến Ga Huế- một công trình kiến trúc cổ ghi dấu ấn lịch sử qua 3 thế kỷ kể từ thời Pháp thuộc xây dựng nằm giữa lòng Cố đô Huế...
Thế rồi, một tin vui đã đến với người dân sống ở mạn Tây Nam TP. Huế và cả người dân Huế nói chung khi mới đây, HĐND tỉnh ra Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp mở rộng cầu Chui, với tên gọi đầy đủ: Công trình cải tạo cầu đường sắt Bắc- Nam vượt đường Bùi Thị Xuân và Cải tạo đường bộ hành qua cầu đường sắt Bạch Hổ- Dã Viên. Công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách tỉnh hơn 20,5 tỷ đồng; với thời gian xây dựng 2 năm. Nghe tin này, người dân Huế ai cũng vui mừng.
Theo ông Nguyễn Việt Bằng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế - đơn vị chủ đầu tư công trình, cách đây 15 năm, cùng với các tuyến trên địa bàn TP. Huế, việc cải tạo cầu Chui đã nằm trong quyết định phê duyệt chi tiết Trung tâm phía Nam TP. Huế để nâng cấp mở rộng, chỉnh trang tạo diện mạo cảnh quan đô thị, đẩy mạnh hoạt động du lịch liên vùng. Thế nhưng do ngân sách tỉnh hạn chế nên bao lần đành phải lỡ hẹn.
Hiện tại theo kế hoạch thiết kế, công trình hoàn thành đảm bảo lưu thông cho các xe du lịch 17 chỗ trở xuống qua lại dễ dàng. Trong đó, riêng phần cầu Chui được xây dựng cống hộp bằng bê tông cốt thép, chiều dài cầu hộp rộng 11m, được phân hai làn bởi ngăn cách cầu hộp 0,5m; có lan can hai bên rộng 0,5m; mặt đường đoạn dưới cầu được hạ thấp 0,3m so với hiện trạng; trọng tải thiết kế T16.
Phần đường sắt trên cầu đường giữ nguyên bình diện theo hiện trạng, chỉ nâng sửa cao thấp cục bộ và điều chỉnh trắc dọc cho phù hợp. Phần hai bên cầu cũng được chỉnh trang đoạn từ cầu ra phía Ga Huế rộng từ 15-17mét; trong đó mặt đường từ 8,5-10,5mét; phía từ cầu hướng đi phường Thủy Biều được điều chỉnh rộng 19,5m; trong đó mặt đường được kết cấu cấp cao A1, rộng 10,5 mét, cùng nhiều hạng mục phụ trợ khác, như điện thắp sáng, bồn hoa, hệ thống an toàn giao thông...
Khi hoàn thành công trình cầu Chui, tuyến đường sắt đi bộ và xe đạp ở cầu Bạch Hổ- Dã Viên cũng được chỉnh trang làm đẹp bằng cách tháo phần lan can phân cách giữa hai làn xe hiện có; lát gỗ trên toàn bộ mặt cầu khoảng 420 mét. Từ tuyến đi bộ này sẽ kết nối các tuyến hiện có trong khu vực như ở công viên Dã Viên, dọc hai bên bờ sông Hương...
Đoàn khảo sát Phòng QLDT TP.Huế thẩm định hiện trạng bàn giao mặt bằng để cải tạo cầu Chui
Để phù hợp cảnh quan trong khu vực, thời gian này TP. Huế cũng bắt đầu triển khai xây dựng tuyến đường dọc bờ sông Hương đoạn từ cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa dài gần 2km với nguồn vốn ngân sách tỉnh hơn 120 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng hơn 37 tỷ đồng. Quy mô đường rộng 10,5 mét; trong đó mặt đường rộng 5,5mét có thiết kế trọng mặt đường 10T; hè đường phía bờ sông rộng 2mét, hè đối diện rộng 3mét... Mục đích của các công trình này không nằm ngoài mục tiêu chỉnh trang diện mạo đô thị, phục vụ dân sinh và phát triển du lịch Huế...
Ông Nguyễn Việt Bằng khẳng định, với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, TP. Huế và cố gắng của các đơn vị liên quan, chủ đầu tư đang triển khai các bước đầu tiên, tổ chức mời thầu đơn vị thi công, tạo mọi điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch đề ra.
Nội dung: Minh Văn
Hình ảnh: Minh Văn - Anh Tuấn
Video: Anh Tuấn
Thiết kế: Quang Thiều