Các hộ chăn nuôi chủ động cung ứng nguồn giống đảm bảo quy trình nuôi khép kín
Giá lợn giống đang ở mức cao
Ông Nguyễn Khoa Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Phú Thanh cho biết, trước dịch tả lợn châu Phi (TLCP), toàn xã có 32 hộ dân nuôi lợn gồm các gia trại, trang trại với tổng đàn lợn gần 400 con. Từ tháng 10/2019 đã tiêu hủy hết toàn bộ số lợn do dịch bệnh; tuy nhiên, từ đó đến nay, mới chỉ có 2 hộ chăn nuôi trên địa bàn tái thiết đàn lợn hơn 100 con/gia trại.
Gia trại của các hộ dân Đặng Thân (thôn Hải Thanh), Hồ Khắc Sanh (thôn Quy Lai) đã vượt qua dịch bệnh, tái thiết nuôi trở lại nhờ áp dụng biện pháp nuôi ATSH với quy trình tiêm phòng, phun thuốc nghiêm ngặt. Các gia trại này chủ động tự cung tự cấp nguồn giống tốt và đảm bảo an toàn dịch bệnh nên đàn lợn nuôi từ 3-4 tháng là xuất chuồng, lãi 100 triệu đồng/lứa.
“Hiện nay, giá lợn giống đang ở mức cao (khoảng 2,5-3 triệu đồng/con) khiến công tác tái đàn tại Phú Thanh gặp nhiều khó khăn. HND đang vận động người nuôi tái thiết đàn lợn theo hướng ATSH để sản xuất bền vững”, ông Hồng nói.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, chăn nuôi nông hộ theo phương thức truyền thống, quy mô nhỏ không đảm bảo ATSH thường gặp khó khăn trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tiếp cận dịch vụ hỗ trợ và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời dễ gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh cũng như khó tái đàn sau dịch.
Lợn tái đàn hiện nay được nuôi phần lớn tại các trang trại bảo đảm ATSH như trại Hoàng Vân – Phú Lộc; trại Trí Dũng – Hương Trà; trại Thanh Đàm – Hương Thủy; trại Lam Điền, trại Nguyễn Vỹ, trại Trương Xuân Vinh – Quảng Điền; trại Nguyễn Hữu Trường Thi, Trại Agry (Công ty Mavin), trại Kim Thoa, trại Trần Năng, trại HTX Điền Hòa – Phong Điền.
Các trại nuôi lợn tập trung, các hộ có đất đai khá rộng, cách ly, cách biệt với nhà ở và áp dụng các biện pháp ATSH như có tường rào bao quanh nhằm kiểm soát được người, phương tiện và động vật ra vào trại.
Quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, mật độ nuôi phù hợp; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng đảm bảo. Phân và chất thải được xử lý (sử dụng hầm khí sinh học biogas hoặc đệm lót sinh học ủ men…) để hạn chế ô nhiễm môi trường. Các địa phương đã công bố hết dịch hoặc chưa xảy ra dịch cũng đang tiếp tục nuôi mới.
Tái đàn phù hợp
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhận định, hiện nay nguy cơ dịch TLCP tái phát là rất lớn, hiện dịch còn tồn tại trên 20 tỉnh trong cả nước. Thừa Thiên Huế đã thông báo hết dịch toàn tỉnh.
UBND tỉnh đã chỉ đạo ban hành kế hoạch tái đàn lợn gắn với tái cơ cấu chăn nuôi sau dịch TLCP giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó, giao mỗi huyện, thị xã, TP. Huế xây dựng đề án hỗ trợ tái đàn, tăng đàn lợn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, kịp thời tăng nguồn cung cấp sản phẩm để bình ổn giá thịt lợn.
Số lợn tái đàn đạt khoảng 50% Tính đến nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh có 137.830 con, từ đầu năm đến nay, sau khi xuất bán đã tiếp tục nuôi lại để tái đàn, tăng đàn (trong đó có 38 DN, trang trại). Số lợn tái đàn khoảng 70.000 con, đạt khoảng 50% tổng đàn (trong đó lợn nái tái đàn khoảng 9.000 con). DN và trang trại lớn tái nuôi khoảng 33.490 con, chiếm khoảng 50% số tái đàn, còn lại trong dân 50%. |
Việc tái đàn là cấp thiết nhưng cần có các giải pháp phù hợp. Theo đó, cần khuyến khích các cơ sở đầu tư tự sản xuất con giống tại chỗ để nuôi theo chuỗi khép kín. Cấp huyện rà soát, cân đối nhu cầu lợn giống để hỗ trợ hình thành thêm các trang trại nuôi lợn đực giống, lợn nái lai, nái ngoại đủ cung cấp con giống cho người chăn nuôi. Các địa phương có cơ sở nuôi lợn đực giống trước đây đã ngừng nuôi do ảnh hưởng dịch bệnh, cần khuyến khích để chủ cơ sở đầu tư cải tạo, nâng cấp chuồng trại, cơ sở vật chất, mua lại lợn giống.
Cơ quan chức năng thực hiện giám sát dịch tể định kỳ, thường xuyên kiểm tra, giám định, bình tuyển lợn đực giống tại các cơ sở nhằm loại thải lợn đực giống không đảm bảo, chỉ sử dụng lợn đực giống đạt tiêu chuẩn để khai thác.
Cấp huyện cần rà soát lại quỹ đất của địa phương và xác định quy hoạch nhằm chủ động kêu gọi đầu tư đối với vùng đất đã quy hoạch cho chăn nuôi tập trung, trang trại nhưng chưa sử dụng, đất xa khu vực dân cư, đất hoang hóa hoặc đất chuyển đổi mục đích sử dụng. Khuyến khích các HTX, tổ hợp tác, hội, hiệp hội… liên kết sản xuất và tiêu thụ, kết nối cung cầu giữa các công ty, DN với các hộ chăn nuôi nhằm tiết kiệm được chi phí đầu vào để hạ giá thành sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, các địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện mở rộng các mô hình chăn nuôi lợn có liên kết với DN như Tập đoàn Quế Lâm, Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty Mavin… theo hướng chủ cơ sở đầu tư đất đai, chuồng trại, hạ tầng, các DN cung cấp con giống, trang thiết bị, kỹ thuật khoa học công nghệ và bao tiêu thu mua, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, để giúp người chăn nuôi ổn định được lợi nhuận và ít chịu ảnh hưởng của biến động thị trường; kêu gọi, hỗ trợ các công ty, DN nghiên cứu thực hiện đầu tư trong lĩnh vực sản xuất chăn nuôi theo quy mô trang trại vừa và lớn, có ứng dụng công nghệ cao và các công ty, DN có đủ năng lực đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh