Nằm cách trung tâm TP. Huế chỉ hơn 5km, đồi Vọng Cảnh nằm ngay khúc uốn đẹp nhất của dòng Hương giang. Bên kia sông là núi Ngọc Trản và di tích điện Hòn Chén; bên cạnh là lăng Tự Đức và Đồng Khánh; xa hơn là lăng Thiệu Trị. Dưới chân đồi là làng Cư Chánh hiền hòa; bên kia sông là làng Hải Cát yên bình.
Đứng ở Vọng Cảnh, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn lên tận thượng nguồn dòng sông Hương với hình ảnh của những ngọn núi Kim Phụng, Kim Kê. Sông núi xứ Huế hiện lên hữu tình như một bức tranh thủy mặc nhìn từ đồi Vọng Cảnh.
Vọng Cảnh luôn thu hút du khách đến vui chơi, nghỉ ngơi
Những người yêu du lịch Huế, có tâm hồn đồng điệu cho rằng, Vọng Cảnh là nơi đẹp nhất để ngắm nhìn sông Hương, đặc biệt là lúc hoàng hôn dần buông dưới các dãy núi phía Tây. Dòng Hương giang như một dải lụa màu đỏ ửng, với những chiếc thuyền rồng lững lờ trôi như điểm xuyết cho bức tranh thủy mặc thêm thi vị.
Vọng Cảnh đã đi vào thi ca, nhạc họa, là nơi để những nhiếp ảnh gia tài ba sáng tác nghệ thuật. Từ ngọn đồi này đã có rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật đẹp về dòng Hương giang ra đời vào các buổi bình minh và hoàng hôn. Đã có rất nhiều tác phẩm đã đoạt giải thưởng quốc gia và quốc tế, đưa sông Hương, Cố đô Huế đến gần với bạn bè năm châu.
Gần đây, đồi Vọng Cảnh càng thêm thu hút du khách, nhất là giới trẻ khi xuất hiện một cách lãng mạn trong bối cảnh của bộ phim “Mắt Biếc”. Đến Vọng Cảnh không chỉ là để ngắm cảnh mà còn để an nhiên, tự tại, tĩnh tâm cùng cảnh vật.
Những người làm tour du lịch tăng thêm sự lãng mạn cho Vọng Cảnh khi dựng lên một căn chòi được trang trí bằng vải lụa. Những cơn gió nhẹ thoảng qua, làm đung đưa từng dải lụa mềm. Dưới khung cảnh lãng mạn đó, du khách nhâm nhi một ly vang trắng, tựa lưng vào ghế và thả hồn vào gió, vào núi và cây.
Anh Đoàn Văn Tú, Giám đốc Công ty du lịch Vespa Sapari chia sẻ, những du khách đến Huế và “may mắn” đến đồi Vọng Cảnh chỉ có thể thốt ra từ “mê hoặc”. Đi nhiều nơi, khám phá nhiều điểm đến, du khách vẫn ngỡ ngàng trước khung cảnh mà thiên nhiên đã ban tặng cho Huế: Nơi vẻ đẹp nằm tách biệt với cuộc sống xô bồ chốn thị thành.
Cái tên Vọng Cảnh (Belvédère – Tiếng Pháp) được đặt cho ngọn đồi vào thời Pháp thuộc, vì đây là điểm ngắm cảnh đẹp.
Theo các nhà nghiên cứu, đồi Vọng Cảnh không chỉ dừng lại là điểm ngắm cảnh đẹp mà có vị trí rất đặc biệt trong hệ thống danh lam thắng cảnh của Huế. Đồi Vọng Cảnh như là tiền án của Lăng Tự Đức. Đây là cảnh quan truyền thống, đi vào lịch sử và có giá trị cho đến tương lai.
Nhớ lại thời điểm cách đây 15 năm, khi đồi Vọng Cảnh có dự án đầu tư thành khu nghỉ dưỡng cao cấp. Dư luận quan tâm và cho rằng ở đó nên trở thành một không gian chung cho cộng đồng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, đồi Vọng Cảnh là một thắng tích rất đặc biệt và thật may mắn khi Huế vẫn giữ gìn được đồi Vọng Cảnh cho đến hiện tại. Dù đang là điểm đến còn rất hoang sơ, nhưng sức hút của nó là không thể bàn cãi.
Bước chuyển mình đầu tiên của đồi Vọng Cảnh là vào năm 2015, khi được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết trở thành khu vực sinh thái cảnh quan, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích văn hoá lịch sử.
Chính vì vai trò về lịch sử, tầm quan trọng trong hệ thống các danh lam thắng cảnh ở Huế mà mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua dự án cải tạo chỉnh trang khu vực đồi Vọng Cảnh có tổng mức đầu tư khoảng 13 tỷ đồng. Đồi Vọng Cảnh sẽ trở thành công viên, điểm thưởng ngoạn công cộng phục vụ người dân và du khách trong tương lai.
Vọng cảnh là nơi có cảnh sắc tuyệt đẹp
Không lâu nữa, đồi Vọng Cảnh sẽ khoác lên mình tấm áo mới. Theo Trung tâm Công viên cây xanh Huế, đơn vị thực hiện dự án, dự kiến trong tháng 7/2020 này sẽ bắt đầu thực hiện việc cải tạo và nếu thuận lợi, chỉ sau 2 tháng sẽ hoàn thành, đưa vào phục vụ người dân, du khách.
Ông Dương Quang Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế thông tin, các hạng mục thi công tại đồi Vọng Cảnh gồm thay lại đường đất thành đường lát đá Cubic, rộng 4,5m. Hai bên sẽ trồng hoa sim, kết hợp với các ghế ngồi bằng đá tự nhiên. Phía trên vườn hoa trung tâm thiết kế lại hệ thống hoa theo màu sắc kết hợp với ghế ngồi xung quanh. Các loại hoa được lựa chọn trồng, gồm sim, mua, thạch thảo, violet, thạch thảo mâm xôi, cúc bạch nhật, cúc mặt trời…
Trên tuyến đường Huyền Trân Công Chúa sẽ bố trí bãi đỗ xe rộng khoảng 500m2, cùng với đó, tại khu vực đồi Vọng Cảnh sẽ có 1 điểm đặt xe đạp, để du khách có thể đạp xe ngắm cảnh; kết hợp bảo vệ, nhà vệ sinh, có kiến trúc nhẹ nhàng, hài hòa với thiên nhiên.
Ở phía sát bờ sông sẽ hình thành bến thuyền để đón khách đi bằng đường sông lên tham quan, bố trí các lối đi bằng đá tự nhiên. Riêng khu vực chòi bảo vệ rừng thông đồi Vọng Cảnh sẽ được cải tạo thành chòi ngắm cảnh bằng gỗ.
“Huế là nàng thơ với tà áo tím mộng mơ như một di sản của người con gái xứ Huế. Ý tưởng của việc chỉnh trang đồi Vọng Cảnh là để trở thành một không gian tôn vinh tà áo dài tím xứ Huế” ông Dương Quang Hiền cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, định hướng của tỉnh là xây dựng phương án để cải tạo, chỉnh trang đồi Vọng Cảnh trên nền tảng bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị sinh thái, cảnh quan nơi đây, để Huế có thêm nhiều điểm ngắm cảnh nhẹ nhàng, thơ mộng, phục vụ cho người dân và du khách.
Chủ tịch Phan Ngọc Thọ cũng cho biết, bên cạnh đó sẽ rà soát phạm vi khu vực đồi Vọng Cảnh để nghiên cứu việc mở rộng phía bờ sông Hương kết hợp với quy hoạch, triển khai hệ thống đường đi bộ khu vực tiếp giáp bờ sông từ đồi Vọng Cảnh về TP. Huế. Đồng thời, triển khai đồng bộ với các dự án trạm xe đạp thông minh trên địa bàn nhằm phục vụ nhu cầu du lịch bằng xe đạp tại đồi Vọng Cảnh và khu vực lân cận.
Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, đồi Vọng Cảnh được chỉnh trang thành công viên là điều quá tốt. Nhưng chỉ dừng lại ở mức đó thì chưa xứng tầm. Vọng Cảnh phải là viên ngọc được mài dũa sáng chứ không thể là viên ngọc thô. Đồi Vọng Cảnh phải phát huy vai trò điểm hút để các điểm đến, các dịch vụ xung quanh được hình thành và phát triển.
“Đồi Vọng Cảnh phải được đặt trong một dự án mang tính tổng thể hơn. Phía ngoài đồi có kết cấu hạ tầng tốt để đưa khách vào. Đi cùng với đó nên quy hoạch chi tiết khu vực dân cư quanh đồi Vọng Cảnh và lăng Tự Đức, với hệ thống xá, đường đi dạo; định hướng kiến trúc nhà dân, phát triển các dịch vụ. Từ quy hoạch đó, công bố cho người dân biết và khi sửa sang nhà cửa sẽ theo mẫu được quy hoạch. Những người có nhu cầu cũng sẽ mạnh dạn đầu tư theo quy hoạch đã định sẵn. Mục tiêu được đưa ra là hướng đến cộng đồng khai thác được du lịch, tạo sinh kế bền vững cho người dân”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa góp ý.
Nội dung: Đức Quang
Hình ảnh: Đức Quang, Văn Đình Huy, Võ Đức Phúc
Video: Võ Đức Phúc
Thiết kế: Nguyễn Quân