Ngưng tuần hoàn hô hấp là hiện tượng đột ngột mất chức năng hô hấp, hoặc hoạt động của tim. Theo ThS.BSCKII. Trần Quốc Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Huế), đây là một tình trạng rất nặng, tỷ lệ sống rất thấp, khoảng 17% trong viện và chỉ 5% ngoại viện. Hay gặp nhất là các trường hợp bệnh lý tim mạch, sốc phản vệ, hoặc do điện giật, ngạt nước. Khi ngừng tuần hoàn hô hấp xảy ra ngoại viện, để bệnh nhân có cơ hội cứu sống thì việc sơ cứu ban đầu cực kỳ quan trọng.

Bệnh nhân Trần T. được cứu sống sau khi đã ngưng tuần hoàn hô hấp. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Về trường hợp Trần T., bệnh nhân được đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng ngưng hô hấp tuần hoàn do điện giật, ngã xuống nước vào cuối chiều 22/5. Khi nhân viên y tế tiếp cận, bệnh nhân đã ngừng tim, ngừng thở, da niêm mạc tím tái, đồng tử 2 bên giãn to không đáp ứng ánh sáng. Tuy nhiên, sau hơn 25 phút được cấp cứu, hồi sức tim phổi khẩn trương bằng ép tim, đặt nội khí quản, sốc điện và dùng thuốc vận mạch…, bệnh nhân có mạch, huyết áp trở lại, đồng tử co nhỏ, da niêm mạc hồng.

Việc bệnh nhân T. được cứu sống, hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng là một dấu hiệu đáng mừng. Điều đó cho thấy các bạn làm việc cùng T. tại thời điểm xảy ra tai nạn đã biết kỹ thuật cấp cứu ngưng tuần hoàn hô hấp và thực hành rất tốt. T. bị điện giật, các bạn đã ngắt điện ngay lập tức, cấp cứu bằng cách ép tim liên tục, kết hợp hô hấp nhân tạo bằng đường miệng, đồng thời thực hiện liên tục ngay cả trong quá trình đưa nạn nhân đến bệnh viện. “Nhờ việc sơ cấp cứu ban đầu nhanh và đúng kỹ thuật này đã giúp T. có được dòng máu nhỏ nhưng đủ lượng oxy cần thiết nuôi não và tim – 2 cơ quan sống còn thiết yếu không bị tổn thương ngay cả khi bệnh nhân đã ngưng tuần hoàn hô hấp. Thành công ngoạn mục này chính là kết quả của quá trình giáo dục kiến thức cấp cứu ban đầu trong cộng đồng, sự phối hợp tốt giữa cấp cứu ngoại viện của cộng đồng và cấp cứu hồi sức tại bệnh viện của nhân viên y tế. Đồng thời, khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc xử lý cấp cứu ban đầu đối với trường hợp nạn nhân bị ngưng tuần hoàn hô hấp”, bác sĩ Trần Quốc Thắng nhấn mạnh.

Với những kinh nghiệm trong nghề, bác sĩ Thắng nói rõ: Thực tế cho thấy, khi gặp bệnh nhân ngừng tuần hoàn hô hấp ngoài cộng đồng, nhiều người vẫn còn ngần ngại và sợ các bệnh lây nhiễm khác nên chưa mạnh dạn hô hấp nhân tạo hỗ trợ nạn nhân. Nguyên tắc của việc phát hiện một bệnh nhân ngừng tuần hoàn hoặc hô hấp là phải tiến hành đánh giá ngay tình trạng trong khoảng thời gian không quá 10 giây bằng cách sờ vào mạch cảnh ở cổ, hoặc mạch bẹn và quan sát nhanh nhịp thở. Nếu không có mạch thì phải ép tim ngay lập tức. Từ năm 2010 đến nay, Tổ chức Y tế thế giới và cả Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đều khuyến cáo, trong những trường hợp này thay vì thổi ngạt thì phải ép tim trước. Chính việc ép tim trước đưa lại cơ hội sống cao hơn cho bệnh nhân, vì có thể đưa máu có oxy đến nuôi tim và não, đủ duy trì sự sống.

Hướng dẫn sơ cứu khi bị điện giật

Cắt nguồn điện ngay lập tức bằng cách tắt công tắc, ngắt cầu dao điện hoặc rút phích cắm điện. Nếu không với tới được dây điện, công tắc thì đứng trên vật khô cách điện như hộp gỗ, tấm cao su hay nhựa, dùng cây cán chổi hay chiếc ghế đẩu đẩy mạnh tay/chân người bị nạn ra khỏi nguồn điện. Tuyệt đối không được sờ vào người bị nạn nếu người đó chưa được tách ra khỏi nguồn điện.

Sau khi đã ngắt điện, nếu người bị nạn bất tỉnh thì kiểm tra nhịp thở, mạch đập và cấp cứu ấn tim, hà hơi thổi ngạt và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

ĐỒNG VĂN