Hát karaoke hoặc bằng loa nơi công cộng gây ô nhiễm tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến người khác

Nhưng sự yên tĩnh đó chỉ duy trì chưa hết bữa ăn tối thì màn trình diễn karaoke của ngôi nhà đối diện cất lên ầm ĩ. Những vị khách trố mắt lắc đầu. Còn chúng tôi, chủ nhân của thành phố vừa được các vị khách khen là “yên tĩnh tuyệt vời”, cảm thấy quá xấu hổ. Một tuần sau, ngày đầu tháng 6/2020, vợ chồng ngài Đại sứ Na Uy từ Hà Nội vào tĩnh dưỡng ở Ancient Hue Garden Houses lại bị tra tấn bởi dàn karaoke đối diện và bên hông khu nghỉ dưỡng này, suốt ba đêm liên tục.

Các vị khách cho biết, họ chọn Huế là chọn sự yên tĩnh tuyệt vời mà chỉ nơi này mới có được. Bây giờ Huế còn là nơi sạch sẽ, trong lành, bình an. Vậy mà, cái tiếng ồn này đã làm hỏng mọi thứ. “Huế đã kiên nhẫn dọn rác trong suốt hai năm qua, tại sao không dọn được tiếng ồn này? Nó cũng là một thứ rác đang tràn ngập khắp nơi!” - vị khách Sài Gòn nói.

Khi tôi kể lại câu chuyện này cho nhiều người Huế cùng nghe và hầu như ai cũng bức xúc. Hầu như ai cũng là nạn nhân của màn tra tấn karaoke đã tràn ngập từ phố phường về đến làng quê. Với chỉ hơn một triệu đồng là có được một dàn karaoke di động, hoặc chỉ vài chục ngàn đồng là có thể thuê ngay một dàn để vô tư hát. Cứ có lễ lạc, tiệc tùng là hát. Đi chơi vào tận suối thác trong rừng sâu cũng kéo loa theo để hát. Vào buổi chiều hè này, cứ đi đến các bãi biển là thế nào cũng nghe inh ỏi karaoke. Đang giờ nghỉ trưa của cả khu phố, tiếng karaoke lại réo lên. Trong một con hẻm nhỏ chật chội san sát nhà cửa mà tiếng hát rền rĩ đó còn kéo dài đến tận nửa đêm thì không ai có thể ngủ nổi. Huống chi là du khách, họ đến Huế để nghỉ ngơi, để tận hưởng bầu không khí yên tĩnh, chứ không phải để chịu đựng màn tra tấn đinh tai nhức óc.

Rất nhiều người đồng ý rằng, đã đến lúc cần dọn dẹp thứ rác đang làm ô nhiễm nặng nề bầu không khí vốn dĩ yên tĩnh, trong lành của xứ Huế. Việc đầu tiên là bắt buộc bất cứ ai muốn ca hát với dàn karaoke, hãy vào trong phòng kín, không để tiếng ồn lọt ra ngoài. Ca hát là quyền tự do của mọi người không ai có quyền cấm, nhưng ca hát hoặc làm bất cứ việc gì mà gây tiếng ồn ảnh hưởng đến người khác thì luật pháp Việt Nam đã nghiêm cấm. Luật Bảo vệ môi trường nghiêm cấm hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép. Giới hạn đó được quy định cụ thể trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn. Nếu hành vi sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt gây ra tiếng ồn vượt quá giới hạn quy định, thì sẽ bị xử phạt từ 1 triệu đến 140 triệu đồng.

Xem lại luật, mới hay việc kiểm soát tiếng ồn đã có một hàng rào dày đặc các quy định của pháp luật. Đầu tiên, các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn được kiểm soát bằng Luật Bảo vệ môi trường cùng Nghị định 155/2016 (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường) và Thông tư 39/2010 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Tiếp đó là các quy định trong nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình. Ngoài ra, còn có một lớp hàng rào khác là Bộ luật Hình sự và Dân sự với những điều khoản liên quan đến việc bảo vệ môi trường.

Có cả một rừng luật để chống lại tiếng ồn gây ô nhiễm môi trường, bức hại sức khỏe con người, mất trật tự xã hội, gây hại cho cả nền kinh tế. Cái khó nằm ở chỗ có thực thi hay không. Xử lý vi phạm về tiếng ồn, tưởng là dễ mà lại rất khó, vì đụng chạm đến sinh hoạt thường nhật của nhiều người. Dọn dẹp “rác” karaoke là va chạm đến nhu cầu ca hát, vui chơi, thư giãn, bồi bổ tinh thần của con người. Nhưng nhu cầu tốt đẹp đó cần phải được đáp ứng một cách đẹp đẽ, văn minh, và nhất thiết không được làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và mưu sinh của người khác. Nhất thiết phải hợp đạo lý và cao hơn hết thảy là phải đúng với quy định pháp luật.

Có nhiều nguồn gây nên ô nhiễm tiếng ồn, như sản xuất công nghiệp, thương mại, hoạt động giao thông, nhưng tiếng ồn từ âm thanh cực đại của vũ trường, quán bar, cafe, và mệt mỏi nhất là tiếng ồn các dàn karaoke di động đang là thứ “rác” hành hạ con người dai dẳng nhất hiện nay. Đây là nguồn gây ô nhiễm mà được xem là khó xử lý nhất, vì chủ yếu dựa vào ý thức của người dân. Khó, nhưng nếu không xử lý quyết liệt thì càng ngày càng khó hơn. Huế đã bước đầu chấn chỉnh được thói quen xả rác bừa bãi, lẽ nào lại không dọn dẹp thứ rác karaoke đang tiềm ẩn nhiều nguy hại, thách thức pháp luật lẫn ý thức của cả cộng đồng?

Bài: MINH DÂN - Ảnh: HOÀI THƯƠNG