Sáu trường mầm non tư thục trên địa bàn TP. Huế cùng ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm Ảnh: Mn
Lợi đơn, lợi kép
Giữa tháng 5 vừa qua, LĐLĐTP. Huế tổ chức ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) cho 3 nhóm ngành: xây dựng, mầm non tư thục và vệ sinh công nghiệp.
Với nhóm ngành xây dựng, có 4 doanh nghiệp tham gia, gồm: Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng SDC; Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Hưng Long; Công ty cổ phần Thương mại và xây dựng Quốc Toàn; Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Trí Huy.
Bản TƯLĐTT của nhóm ngành xây dựng tập trung vào các điều khoản phúc lợi cao hơn luật cho người lao động (NLĐ). Nổi bật là việc doanh nghiệp thực hiện mức lương tối thiểu trả cho NLĐ chưa qua đào tạo cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định hàng năm ít nhất 3,3% và mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự đào tạo nghề) phải cao hơn mức lương tối thiểu trả cho NLĐ chưa qua đào tạo ít nhất 7%. Bên cạnh đó, NLĐ trong thời gian thử việc được hưởng ít nhất bằng 90% tiền lương của công việc đó và phụ cấp bữa ăn giữa ca hỗ trợ hằng tháng cho NLĐ 20.000 đồng/bữa/người/ca đối với ca ngày, 25.000 đồng đối với ca đêm.
Ông Đỗ Lê Hoàng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng SDC cho biết, cả 4 doanh nghiệp tham gia thỏa ước nhóm đều thường xuyên phối hợp thực hiện nhiều dự án, công trình nên việc có chung một bản TƯLĐTT là vô cùng phù hợp với tình hình hiện tại, giúp giữ chân NLĐ.
Tương tự, bản TƯLĐTT của 2 nhóm ngành mầm non tư thục và vệ sinh công nghiệp cũng có những điều khoản về phúc lợi cao hơn luật, như: chế độ thăm hỏi, trợ cấp khó khăn, hiếu hỷ, tiền thưởng…
Bà Hoàng Thị Như Thanh, Chủ tịch LĐLĐ TP. Huế chia sẻ, trong quá trình xây dựng, TƯLĐTT khung theo nhóm doanh nghiệp sẽ có sự tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận, đàm phán của các chủ doanh nghiệp, NLĐ, tổ chức công đoàn và dựa vào 3 tiêu chí: Tiêu chuẩn lao động ngành nghề; quy định pháp luật hiện hành; tâm tư, nguyện vọng của số đông NLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp đó.
Mầm non tư thục là một trong 3 nhóm ngành được ký kết thỏa ước lao động thập thể. Ảnh: Hoài Thương
Tiếp tục triển khai
Theo thông tin từ LĐLĐ tỉnh, tính đến hết năm 2019, tổng số doanh nghiệp đã xây dựng TƯLĐTT là 232/298 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 78%. Các bản thỏa ước TƯLĐTT xếp hạng B, C chiếm tỷ lệ tương đối cao. Những bản TƯLĐTT đều có nội dung có lợi hơn cho NLĐ và cao hơn quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ở một số doanh nghiệp, việc ký kết và thực hiện TƯLĐTT còn khó khăn, vướng mắc và chưa đem lại lợi ích thực sự cho NLĐ.
Thực trạng đó cho thấy, việc xây dựng một bản TƯLĐTT có chung nội dung, cùng chế độ cho một nhóm doanh nghiệp cùng ngành nghề sản xuất sẽ khắc phục được nhược điểm của TƯLĐTT riêng từng doanh nghiệp, đem lại lợi ích nhiều hơn cho NLĐ. NLĐ trong các doanh nghiệp có tham gia thỏa ước chung sẽ ít có động cơ tự ý rời bỏ công việc hơn. Các doanh nghiệp tham gia TƯLĐTT nhóm cũng nhờ đó hạn chế được tình trạng ngưng việc, bất ổn sản xuất, cạnh tranh lao động không lành mạnh trong ngành.
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trần Quang Vinh cho biết, xây dựng các bản TƯLĐTT nhóm là một trong những mục tiêu của các cấp công đoàn trong năm 2020 với 2 “mũi nhọn” là LĐLĐ thành phố và Công đoàn Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh. Hiện hai đơn vị trên đang tiếp tục triển khai các bản thỏa ước nhóm tại nhóm ngành du lịch và dệt may.
Minh Nguyên