Một chuyến tuần tra rừng

Bám rừng sâu

Kiểm lâm Phan Thiên Cảm thuộc Trạm Kiểm lâm Hồng Vân- Dốc Chè nhìn nhận, đã theo công việc BVR thì phải xác định gian nan, vất vả. Núi rừng mênh mông, khe suối hiểm trở, thú dữ rình rập là điều khó tránh khỏi. Kể cả lực lượng mỏng là vấn đề “lưu cữu”, tuy nhiên không thể nào khác được khi định mức biên chế cán bộ chỉ cho phép theo quy định.

Theo anh Cảm, điều quan trọng là các giải pháp QLBVR như thế nào để mang lại hiệu quả trong điều kiện khó khăn. Muốn tìm ra giải pháp hiệu quả, trước hết phải xác định những khó khăn, nắm bắt, hiểu rõ nguyên nhân.

Với Khu BTTN Phong Điền, khó khăn lớn nhất là đời sống người dân các xã vùng đệm, giáp ranh còn dựa vào rừng, tạo áp lực lên nguồn tài nguyên rừng và công tác QLBVR, bảo tồn đa dạng sinh học.

Các hành vi lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản, đào đãi vàng sa khoáng trái phép… diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Trước đây từng để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng tại các tiểu khu 21, 22, 26, 33 thuộc khu vực giáp ranh huyện Hải Lăng (Quảng Trị)…

Từ những khó khăn và nguyên nhân, anh Cảm cho rằng, để rừng được bảo vệ tốt, mỗi cán bộ kiểm lâm phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy, không chủ quan, lơ là công việc. Bám cơ sở, rừng sâu là một trong những giải pháp BVR hiệu quả. Rừng sâu thường có nhiều động vật quý hiếm, các loại gỗ có giá trị, chính là điểm nóng phá rừng và săn bắt ĐVHD.

Từ đó, cán bộ kiểm lâm các trạm phân công lực lượng trực chốt, tuần tra tại các điểm nóng, trong rừng sâu. Mỗi nhóm tuần tra thường 3-5 người, kéo dài 3-5 ngày, có khi cả tuần, thiếu hụt lương thực, thực phẩm phải ăn củ quả rừng là chuyện thường. Trong lúc ngủ, các lực lượng phải phân công luân phiên trực BVR và canh chừng thú dữ.

Khi lực lượng quá mỏng, các anh xác định, bám rừng sâu không hẳn lúc nào cũng để truy bắt đối tượng vi phạm, mà việc tuần tra, bám rừng nhằm phát hiện, xua đuổi kịp thời, không để lâm tặc có cơ hội phá rừng. Thời gian gần đây, lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Phong Điền đã phát hiện, xua đuổi hàng trăm lượt đối tượng nghi vào rừng khai thác gỗ, săn bắt ĐVHD; đồng thời xử lý nhiều vụ vi phạm (tính riêng năm 2019: 32 vụ, giảm 16 vụ so với năm trước). Từ đầu năm 2020 đến nay chưa phát hiện vụ vi phạm nào.

Các giải pháp đồng bộ

Công tác QLBVR của Khu BTTN Phong Điền có hiệu quả đã hạn chế tối đa các vụ vi phạm, số vụ vi phạm ngày càng giảm, các hoạt động khai thác gỗ tự nhiên được hạn chế.

Giám đốc Khu BTTN Phong Điền, ông Lê Ngọc Tuấn thông tin, ngoài bám rừng sâu, lực lượng cán bộ, kiểm lâm Khu BTTN Phong Điền đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Tính riêng năm 2019 đến nay, đơn vị sắp xếp, bố trí hơn 50 lượt cán bộ phối hợp với các lực lượng liên ngành lòng hồ thủy điện Hương Điền, các hạt kiểm lâm Phong Điền, A Lưới và các địa phương tổ chức các đợt tuần tra, truy quét tại các điểm nóng, rừng sâu.

Khu BTTN Phong Điền triển khai có hiệu quả công tác giao khoán QLBVR cho các thôn, bản, người dân, được hưởng dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, đơn vị đã giao khoán gần 5.200 ha rừng cho 4 nhóm hộ (21 người) và hợp đồng 54 nhân viên QLBVR với diện tích hơn 9.765 ha. Số diện tích rừng giao khoán được đánh giá bảo vệ tốt, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, điểm nóng khai thác lâm sản, săn bẫy ĐVHD, cháy rừng.

Các lực lượng thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng từ ảnh vệ tinh sentinel 2 nhằm phát hiện sớm việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng, cháy rừng và tiến hành kiểm tra, xác minh các điểm, khu vực nghi ngờ có dấu hiệu biến động rừng. Năm 2019 đến nay, đơn vị phát hiện 0,46 ha tại khoản 2, tiểu khu 22 có dấu hiệu vi phạm lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp và có biện pháp xử lý kịp thời…

Khu BTTN Phong Điền tiến hành rà soát, sắp xếp lại lực lượng BVR trên tuyến Tỉnh lộ 71; thành lập mới Trạm QLBVR Ta Nor và bố trí 11 người, có nhiệm vụ chốt chặn, trực gác, tuần tra thường xuyên, liên tục. Hiện nay, Khu BTTN Phong Điền có 7 đơn vị trực thuộc, gồm các trạm: Khe Liềm, Phong Mỹ, Ô Lâu, Đường 71, Vầu, Ta Nor, Hồng Vân-Dốc Chè với 69 cán bộ.

Bài, ảnh: Hoàng Triều