Hiện nay, ngành nông nghiệp tuy chỉ chiếm tỷ trọng 13,96% GDP, nhưng nông nghiệp vẫn là trụ đỡ chính cho nền kinh tế của nước ta, nhất là những lúc khó khăn. Điều này được thể hiện rõ khi đại dịch COVID-19 vừa qua hầu hết các ngành kinh tế đều gặp khó khăn thì ngành nông nghiệp có sự vươn lên mạnh mẽ, không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực mà còn đẩy mạnh xuất khẩu gạo, các loại trái cây.

Chính sách “khoan dân”, miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là trực tiếp giúp người nông dân giảm bớt khó khăn trước tác động ngày càng khốc liệt của biến đổi khí hậu. Đồng thời, khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm của nông nghiệp nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là trực tiếp giúp người nông dân giảm bớt khó khăn. Ảnh: Nguyễn Quân

Thực ra, chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được nước ta thực hiện từ 20 năm nay (2001). Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số tiền miễm giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình 3.268 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438 tỷ đồng/năm. Tuy ngân sách giảm một nguồn thu đáng kể, nhưng có tác động lớn đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Bởi đây là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng đầu tư trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa. Qua đó giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, yên tâm sản xuất, gắn bó với sản xuất nông nghiệp, góp phần khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.

Tại Thừa Thiên Huế, chúng ta có thể thấy tác động tích cực của chính sách này khi nhiều vùng cát hoang hóa ở Quảng Điền, Phong Điền, Phú vang, Phú Lộc... được người dân đầu tư phát triển trang trại tổng hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ở địa bàn miền núi, hầu hết đất trống đồi trọc được phủ xanh cây công nghiệp, cây ăn trái. Nhiều hộ gia đình đã trở thành triệu phú rừng. Một số doanh nghiệp mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; liên kết với nông dân sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, góp phần nâng cao giá trị nông sản, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp.

Theo tờ trình của Chính phủ, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách Nhà nước, do đây là chính sách đã được thực hiện từ 2001. Tuy vậy, để chính sách không bị lợi dụng, cần có chế tài xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, khai thác không hiệu quả, thậm chí bỏ hoang. Điều này có thể thấy khi gần đây có hiện tượng xin cấp đất lập trang trại, nhưng sau khi tận thu tài nguyên đất trong quá trình cải tạo thì bỏ hoang hàng chục ha, gây lãng phí tài nguyên.

Hoàng Minh