Làm tốt khâu phân loại rác tại nguồn sẽ giảm lượng lớn rác thải cần thu gom, xử lý
Để giải quyết vấn đề quá tải này, tại một số nước phát triển, việc phân loại rác tại nguồn đã được thực thi rộng khắp và trở thành việc làm bình thường đối với người dân và chính quyền.
Như ở Nhật Bản, rác được phân thành hai loại: rác cháy được và không cháy được để riêng trong những túi có màu khác nhau và được công ty vệ sinh đến thu gom. Sau khi thu gom rác vào nơi quy định, công ty vệ sinh đưa loại rác cháy được vào lò đốt để tận dụng nguồn năng lượng cho máy phát điện. Rác không cháy được cho vào máy ép nhỏ rồi đem chôn sâu trong lòng đất. Những thứ rác còn có ích như giấy cũ, túi ni lông, săm lốp cũ… trước đó được gom lại để tận dụng tối đa cho ngành tái chế.
Đối với Thừa Thiên Huế, là địa phương đã có nhiều hoạt động nổi bật, thành quả trong việc thu gom rác thải. Đề án Ngày Chủ nhật xanh, “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng” là điển hình đem lại những kết quả ấn tượng. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong việc xả rác, thu gom, xử lý, gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường. Vì vậy, để tăng cường hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, giảm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), UBND tỉnh ban hành kế hoạch hướng dẫn thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh.
Theo hướng dẫn, CTRSH được phân loại tại nguồn thành 4 nhóm: nhóm tái chế, tái sử dụng (giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh các loại…); nhóm các chất hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau củ quả, xác động vật…); nhóm chất thải nguy hại (pin, ắc quy, bóng đèn huỳnh quang, thiết bị điện tử hỏng…); nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải xây dựng).
Đối với các địa phương dự kiến cung cấp CTRSH cho nhà máy đốt rác phát điện Phú Sơn (Phong Điền, TX. Hương Trà, TP. Huế, Phú Vang, TX. Hương Thủy, Phú Lộc) được phân loại tại nguồn 3 nhóm: nhóm tái chế, tái sử dụng; nhóm chất thải nguy hại và nhóm các chất hữu cơ và chất thải còn lại (trừ chất thải xây dựng và xác chế động vật lớn).
Rác sau phân loại được lưu chứa trong các túi đựng, thùng rác phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường. Như túi đựng rác hoặc thùng rác màu xanh để chứa chất thải hữu cơ dễ phân hủy; màu cam để chứa chất thải nguy hại; màu trắng/xám để chứa chất thải tái chế; các chất thải còn lại sử dụng các loại túi có màu sắc khác các màu trên.
Để có tính liên kết và đồng bộ, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH sau phân loại cũng được định hướng, quy định phù hợp với từng đơn vị, địa phương. Chẳng hạn phân chia thời gian, tần suất thu gom từng nhóm chất thải hợp lý; bố trí phương tiện thu gom, vận chuyển đảm bảo về an toàn, vệ sinh môi trường.
Kế hoạch phân loại rác tại nguồn của tỉnh nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hướng đến mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng “Đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, thân thiện với môi trường và thông minh”. Phấn đấu đến cuối năm 2023, việc phân loại CTRSH tại nguồn sẽ được triển khai thực hiện tại tất cả 9 huyện, thị xã, thành phố.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN