Công việc chăm sóc những chiếc chậu xưa hằng ngày

Như là nghề chọn mình

Căn nhà Pháp nằm trong một con hẻm bên cạnh nhà thờ Phủ Cam là nơi Thành thuê được để trưng bày những chiếc đôn chậu xưa đã sưu tầm được trên địa bàn tỉnh và nhiều vùng miền khác trong cả nước, nhất là miền Nam.

Để có một địa điểm giao lưu, trao đổi với những người yêu thích chậu xưa tại Huế như bây giờ đối với Thành là một quãng đường dài. Ra trường, không tìm được việc làm, anh vào thành phố Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội. Một lần, tình cờ anh ghé nhà bạn chơi, nhìn thấy một cái chậu xưa rất nhỏ, với màu men và hoa văn khá đẹp. Quá thích cái chậu đó, nên bạn đã bán lại cho anh với giá 100 nghìn đồng. Đem cái chậu xưa ra Huế, nhiều người trong nhóm bạn của anh rất thích thú và hỏi mua lại. Ý tưởng đi sưu tầm và kinh doanh những chiếc đôn, chậu xưa bắt đầu, để cho tới bây giờ nghề này đã gắn liền với anh hơn 5 năm.

Khi nói về những chiếc đôn và chậu cổ, đã qua sử dụng, dường như trong mắt anh có một niềm đam mê mãnh liệt. Đây là dòng gốm Nam bộ, kết tinh của ba dòng gốm người Việt, người Hoa và người Chăm với lịch sử hơn 300 tuổi. Thời nhà Nguyễn, dòng gốm sứ này được nhập từ miền Nam ra Huế khá nhiều. Thế nên bây giờ trong cung đình và cả trong dân gian vẫn còn lưu lại kha khá.

Từ bước đi ban đầu chưa có kinh nghiệm, Thành chỉ tìm mua được những sản phẩm “nước hai”, có khi còn gặp nhiều vấn đề như sứt mẻ, rạn... Sau nhiều lần tìm hiểu, học hỏi từ những người đi trước, anh vững tay nghề hơn và tìm được địa chỉ cung cấp uy tín hơn. Từ đây, việc kinh doanh của anh mới bắt đầu bước những bước vững chắc. Nhìn lại những tháng ngày rong ruổi khắp mọi nơi để tìm mua được những chiếc đôn, chậu xưa như thế, Thành khẳng định chắc nịch “chắc là nghề chọn mình”.

Buồn vui với nghề

Tính tới thời điểm hiện tại, Thành bán được hàng ngàn sản phẩm đôn chậu xưa cho những người sưu tầm, đam mê dòng gốm sứ này. Để có được điều đó, anh có một nguyên tắc kinh doanh rất đặc biệt. Đó là, “phải nghĩ cho khách hàng trước khi nghĩ đến quyền lợi của mình.”. Buôn bán những chiếc chậu xưa đã qua sử dụng nên khi sản phẩm của mình đến tay khách hàng, anh phải “tút lại nhan sắc” những món đồ thật kỹ lưỡng.

Khách hàng của anh khá hài lòng với những ưu đãi mà anh dành cho họ như là được trả đổi khi không thích hoặc bị vỡ, rạn trong quá trình vận chuyển, và hơn hết là “bao quay đầu trọn đời”, nghĩa là một món chậu khách hàng mua về chơi, đến khi nào chán, không thích nữa thì có thể đem trả lại. Thành cười, “Trong hơn 5 năm mình bán, chưa thấy ai trả lại bao giờ”, phần lớn vì những loại sản phẩm như thế này niên đại càng lâu càng có giá trị nên chẳng ai chịu trả lại.

Mặc dù đã đi cùng với nghề này một thời gian, nhưng khi nói về những khó khăn trong nghề, Thành không khỏi chạnh lòng. Việc bán hàng của anh thường đăng lên mạng xã hội rồi kết nối với người mua, nên khách hàng của anh cũng rất đa dạng và ở nhiều nơi khác nhau. Việc vận chuyển một món hàng dễ vỡ thật sự gặp rất nhiều rủi ro, và nếu như vỡ thì coi như mất trắng. Thêm nữa, người sưu tầm và chơi những món đồ này ngày càng nhiều nên việc tìm nguồn hàng đẹp không còn dễ dàng nữa...

Thành mơ ước rằng, sau này khi có điều kiện hơn anh muốn biến không gian kinh doanh của anh hiện tại thành một nơi trưng bày gốm xưa để nhiều người yêu quý dòng gốm này, và cả những người chưa từng tìm hiểu về gốm có một nơi để tìm hiểu, học hỏi và giao lưu.

Bài, ảnh: Nam Giao