Tình trạng lao động trẻ em có nguy cơ gia tăng trở lại do đại dịch COVID-19. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN

Trong một bản báo cáo chung, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) lưu ý, số lượng trẻ em bị mắc kẹt trong tình trạng lao động trẻ em đã giảm 94 triệu trẻ kể từ năm 2000. Tuy nhiên, hai cơ quan này cảnh báo đại dịch COVID-19 đặt ra nguy cơ rất thực sự về sự gia tăng trở lại.

Báo cáo chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng có nguy cơ sẽ gây ra sự gia tăng đáng kể về nghèo đói. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), số người nghèo đói cùng cực có khả năng tăng vọt thêm lên tới 60 triệu người chỉ tính riêng trong năm nay.

"Trong bối cảnh đại dịch tàn phá thu nhập gia đình, không có sự hỗ trợ, nhiều người có thể tìm đến lao động trẻ em", ông Guy Ryder, người đứng đầu ILO nói trong một tuyên bố.

Mối quan hệ giữa nghèo đói mở rộng và sự gia tăng của lao động trẻ em dường như rõ ràng, báo cáo nhận định; đồng thời chỉ ra các nghiên cứu từ một số quốc gia cho thấy, nghèo đói tăng 1% sẽ dẫn đến mức tăng ít nhất 0,7% trong lao động trẻ em.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng có thể đẩy trẻ em vốn đang phải đi làm đối mặt với thời gian kéo dài hơn trong những điều kiện tồi tệ hơn. Trong khi đó, những trẻ em khác có thể bị ép buộc vào các hình thức lao động tồi tệ nhất, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và sự an toàn của chúng.

"Cơ chế đối phó"

Theo bản báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), những đứa trẻ mất đi bố/mẹ hoặc cả bố và mẹ trong cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể bị buộc phải làm trụ cột gia đình hoặc trở nên dễ bị lợi dụng hơn.

"Trong thời kỳ khủng hoảng, lao động trẻ em trở thành một cơ chế đối phó đối với nhiều gia đình", người đứng đầu UNICEF, bà Henrietta Fore nhận định trong một tuyên bố.

Các cơ quan cũng lên tiếng báo động từ những bằng chứng gia tăng cho thấy, lao động trẻ em đã và đang tăng lên khi các trường học đóng cửa trong đại dịch. Họ lưu ý, việc đóng cửa tạm thời các trường học hiện đang ảnh hưởng đến hơn 1 tỷ học sinh ở hơn 130 quốc gia. Và ngay cả khi các lớp học khởi động lại, phụ huynh có thể không còn khả năng chi trả tiền học.

Qua đó, bản báo cáo đề xuất một loạt các biện pháp khắc phục, bao gồm bỏ học phí, đồng thời kêu gọi các quốc gia tăng cường bảo vệ xã hội và cung cấp tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn dành cho các hộ nghèo.

"Khi chúng ta nhìn nhận lại về thế giới hậu đại dịch COVID-19, chúng ta cần đảm bảo trẻ em và gia đình của chúng có các công cụ cần thiết để vượt qua những cơn bão tương tự trong tương lai. Giáo dục chất lượng, các dịch vụ bảo trợ xã hội và những cơ hội kinh tế tốt hơn có thể là những yếu tố mang lại sự thay đổi", người đứng đầu UNICEF nhấn mạnh.

Theo các ước tính gần đây nhất của ILO được công bố hồi năm 2017, khoảng 152 triệu trẻ em đã bị buộc phải làm việc trong giai đoạn 2012 - 2016, bao gồm 73 triệu trẻ em ở những khu vực nguy hiểm. Được biết, LHQ sẽ công bố dữ liệu mới về quy mô lao động trẻ em trên toàn cầu trong năm tới.

Lê Thảo (Lược dịch từ AFP & The Jakarta Post)