Chi trả tiền trợ cấp cho 4 nhóm đối tượng đợt 1 tại phường Thuận Lộc (TP. Huế)
Chưa có doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn
Theo thông tin từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến ngày 4/6 vẫn chưa có người sử dụng lao động có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn được UBND tỉnh phê duyệt.
Trao đổi tại buổi làm việc với Chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành viên đoàn giám sát - ông Nguyễn Doãn Quan, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Hỗ trợ doanh nghiệp (Hội Doanh nghiệp tỉnh) cho rằng, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng được tham gia gói hỗ trợ vay trả lương cho NLĐ theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15. Tuy nhiên, các điều kiện vay vốn và quy trình thủ tục phức tạp là rào cản lớn. Đặc biệt là điều kiện không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng khó có thể đáp ứng, khi phần lớn các đơn vị sản xuất kinh doanh đều bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cùng quan điểm, một thành viên của đoàn là ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, điều kiện vay vốn còn một số bất cập như phải có từ 20% tổng số lao động hoặc từ 30 lao động tham gia BHXH bắt buộc trở lên bị ngừng việc 1 tháng trở lên khiến các doanh nghiệp khó có thể đáp ứng được.
Đoàn giám sát làm việc với Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế
“Dù phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh do dịch COVID-19, các doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì việc làm bằng hình thức giãn việc, làm xen kẽ hoặc trả một phần thu nhập để giữ chân người lao động (NLĐ)”, ông Trần Quang Vinh lý giải.
Tiếp thu các ý kiến từ đoàn giám sát, đại diện NHCSXH Chi nhánh tỉnh kiến nghị các cấp, ngành Trung ương nên xem xét chuyển gói vay hỗ trợ doanh nghiệp trả lương ngừng việc sang hình thức cho vay, giúp NLĐ bị mất việc tại doanh nghiệp do ảnh hưởng dịch COVID-19 có thể tự giải quyết việc làm.
Khó xác định đối tượng
Theo báo cáo của UBND huyện Phú Lộc gửi đoàn giám sát, đến nay, trên địa bàn huyện đã tiếp nhận và đề nghị UBND tỉnh xem xét, phê duyệt 476 hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Trong đó, chỉ có 1 trường hợp là NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và 1 trường hợp NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng đều bị trả hồ sơ do không đảm bảo điều kiện theo Quyết định 15; 52 hồ sơ hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4; còn lại là NLĐ không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm.
Khó khăn của địa phương là việc xác định, thẩm định đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng, như: không có quy định chi tiết về ngành nghề theo nhóm, xác định thu nhập dưới chuẩn cận nghèo, thời gian làm việc của NLĐ, nghề chính của NLĐ… Việc thẩm định đối với doanh nghiệp về báo cáo tài chính cũng không có hướng dẫn cụ thể đủ điều kiện và không đủ điều kiện tại khoản 3, Điều 1 Quyết định 15, xác định thời gian ngừng hoạt động là cơ quan nào...
Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương mà đoàn giám sát ghi nhận được. Đơn cử tại huyện Phong Điền, việc xác định đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng rất khó cho cơ sở. Cụ thể, NLĐ không có giao kết hợp đồng khai làm cho hộ kinh doanh về các ngành có trong Quyết định 15 nhưng không có cơ quan nào xác nhận. Công tác xác nhận việc làm, nơi làm việc của NLĐ làm việc ngoài địa phương không được quy định; yếu tố thu nhập dưới mức chuẩn cận nghèo trong thời gian nghỉ do dịch đòi hỏi sự trung thực trong lời khai và giám sát của người dân và Mặt trận nhưng lại gặp khó khăn.
Giám sát từ cơ sở
Ông Nguyễn Tiến Nam, Trưởng ban Dân chủ Pháp luật, Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN các xã, phường, thị trấn chỉ đạo trưởng các tổ chức đoàn thể, Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư phối hợp trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố rà soát thống kê, lập danh sách chính xác theo đúng quy định, chi trả hỗ trợ theo phương thức cuốn chiếu, theo các nhóm đối tượng đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Đến hết tháng 5/2020, toàn tỉnh đã thực hiện chi trả tiền trợ cấp cho 4 nhóm đối tượng là người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo (đợt 1) với 133.748 trường hợp, đạt tỷ lệ 99,6%.
Ngoài 4 nhóm đối tượng trên, Mặt trận tỉnh xây dựng kế hoạch hướng dẫn Mặt trận các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức thành viên tổ chức giám sát việc hỗ trợ cho các nhóm đối tượng còn lại, nhằm giải quyết kịp thời khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo chính sách trong xác định các đối tượng được thụ hưởng; thực hiện công khai, minh bạch mức hỗ trợ, đối tượng được hỗ trợ qua các kênh thông tin đại chúng; niêm yết danh sách tại các địa điểm thuận lợi để người dân theo dõi, giám sát, tạo sự đồng thuận cao và thực hiện đúng mục tiêu đối với các đối tượng cần hỗ trợ.
“Sau khi kết thúc đợt giám sát hỗ trợ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh sẽ báo cáo kết quả về Mặt trận Trung ương và kiến nghị, đề xuất để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trước mắt, ngoài đoàn giám sát của Mặt trận tỉnh, Mặt trận các cấp tiếp tục tiến hành giám sát tại các cơ sở và có thực hiện chế độ báo cáo với Mặt trận cấp trên trực tiếp”, ông Nguyễn Tiến Nam cho biết thêm.
Bài, ảnh: MINH NGUYÊN