Ngày 1/4/2020 bà Hà chấm dứt hợp đồng lao động. Bà hỏi, bà có đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không? Nếu được thì bà cần làm thủ tục gì?
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm thì một trong những điều kiện để xem xét, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp là người lao động đang đóng BHTN mà chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ thì người lao động đang đóng BHTN là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng BHTN và được tổ chức BHXH xác nhận, tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau: Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH; người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.
Theo đơn bà trình bày thì tháng 2 và tháng 3/2020 bà đi làm nhưng không tham gia BHXH, BHTN mà chỉ tham gia BHYT. Ngày 1/4/2020 bà chấm dứt hợp đồng lao động với công ty, như vậy tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động bà không đóng BHTN, mặt khác trong đơn bà nêu bà không tham gia BHXH, BHTN không phải do bị ốm đau, thai sản hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động theo quy định đã nêu ở trên nên bà không đủ điều kiện để giải quyết trợ cấp thất nghiệp.
Thời gian bà đã tham gia BHTN nhưng chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo.
Theo baochinhphu.vn