Công nghệ là “chìa khóa” để người mù mở ra cánh cửa đến với cuộc sống

Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội Người mù (HNM) tỉnh, cho biết: “Năm 2017, Tổ chức JICA – Nhật Bản đã tài trợ 13 bộ máy tính xách tay cài đặt phần mềm dành cho người mù, 3 máy in chữ Braille. Được sự quan tâm của các cấp ngành, phòng dạy tin học cũng đã nâng cấp, cải tạo và phục vụ đắc lực cho việc mở lớp tin học dành cho người mù”.

Đến cuối năm 2019, Tỉnh hội đã tổ chức 6 lớp tin học dành cho người mù với tổng số 84 học viên. Các học viên được phân thành lớp sơ cấp và trung cấp tùy thuộc độ phức tạp khi tiếp cận với máy tính, mạng internet. Ngoài phần mềm hỗ trợ tiếng nói, hướng dẫn sử dụng duxbury, máy in chữ nổi, người mù còn được thực hành với chương trình Windows 10, Microsoft Word, Excel, Internet Explorer, thư điện tử và sử dụng mạng xã hội trên máy tính.

Ông Hoàng Tuấn Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp trẻ em mù, cho biết: “Thời gian để hoàn thành lớp trung cấp là 256 tiết; trong đó, phần mềm hỗ trợ tiếng nói Jaws có thời lượng 44 tiết. Đây là “chìa khóa” để người mù kết nối với máy tính, hiểu, mở và sử dụng các công cụ”. Cụ thể, khi thao tác với máy tính, người mù sẽ ghi nhớ bàn phím. Từ đó thuộc lòng, tạo thói quen gõ chính xác các ký tự. Tuy nhiên, vì đặc trưng phần mềm Jaws phải sử dụng câu lệnh bằng tiếng Anh nên đòi hỏi người mù phải có khả năng nghe tốt.

Để nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy, mỗi lớp tin học duy trì hai giáo viên, trong đó có một giáo viên là người mù. Ông Hải phân tích: “Phần hướng dẫn cụ thể, thao tác sẽ do giáo viên này đảm nhận. Sự nhạy cảm và điểm tương đồng giúp giáo viên và học viên tiếp cận các bước dễ dàng hơn. Giáo viên còn lại có vai trò theo dõi, kiểm tra và hướng dẫn cụ thể từng học viên. Đây là cách phát huy tối đa hiệu quả của việc quan sát”.

So với máy tính, các học viên tiếp cận và sử dụng điện thoại thông minh dễ dàng hơn rất nhiều. Chỉ cần ba thao tác cơ bản, đó là vuốt lên bằng hai ngón tay, nhấp đúp để chọn và kéo xuống để trở về. Chị Trần Thị Mỹ Lài, một học viên chia sẻ: “Cuộc sống của tôi trước đây hầu như chỉ gói gọn qua chữ Braille. Nhưng từ khi biết đến công nghệ, nhất là máy tính, điện thoại thông minh, tôi tự tin hơn khi hòa nhập cùng mọi người”.

“Thấy” được sự kỳ diệu của cuộc sống thông qua công nghệ, cô gái 9X đã “đầu tư” cho mình chiếc điện thoại thông minh để nghe sách, tìm hiểu kiến thức và giải trí, mua sắm. Niềm vui ấy còn lớn hơn khi những lớp học, khóa tập huấn điện thoại thông minh được HNM tỉnh mở thường xuyên, cập nhật công nghệ, hướng dẫn tận tình.

Với hiệu quả cao, thông thường đa số học viên chỉ cần ba ngày để sử dụng thành thạo trình đọc màn hình TalkBack. Từ đó dùng điện thoại để nghe, gọi, gửi, nhận thư điện tử đến sử dụng Google, mạng xã hội. Vì thế, không chỉ chị Lài, nhiều người mù đã có thêm một kênh giao tiếp với cuộc sống.

Ngoài công nghệ, từ năm 2015 đến nay, HNM tỉnh đã mở 22 lớp dạy nghề cho 382 học viên, tăng 7 lớp, 132 học viên so với kế hoạch đề ra. Không chỉ trang bị cho hội viên kiến thức nghề phù hợp, có việc làm, thu nhập. Khi đời sống ổn định, phương cách tiếp cận công nghệ cũng dễ dàng hơn.

Tỉnh hội còn tổ chức các hội thi nhằm giúp hội viên nâng cao chất lượng tay nghề, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa những người mù với nhau. Sắp tới, ngoài mở hai lớp, một lớp máy tính và một lớp điện thoại thông minh, HNM tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức hội thi tin học dành cho người mù, từ đó đẩy mạnh việc tiếp cận tin học, nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, tìm ra những cá nhân xuất sắc, điển hình để dự thi hội thi tin học dành cho người mù toàn quốc.

Bài, ảnh: Mai Huế