Không khó để chỉ ra những cái tên đã và đang đem về vinh quang cho thể thao Huế ở các đấu trường đỉnh cao ,như: Thanh Khiết, Bảo Trâm, Như Ý, Kim Phụng (cờ vua), Hà Kiều Trang (Karatedo), Đỗ Thị Bông (điền kinh), Nguyễn Thị Thuận (bơi)… Còn với những VĐV triển vọng, Huế có Nguyễn Thị Trang (Taekwondo), Yến Hoa (điền kinh), Bích Phương (bắn cung), Anh Thư (Judo), Phương Anh (vật) - những cái tên đang khoác áo tuyển quốc gia và cũng là niềm hy vọng vàng của thể thao Thừa Thiên Huế tại ĐH TDTT toàn quốc sắp tới.

Đỗ Thị Bông, HCV và phá kỷ lục Quốc gia cự ly 800m tại giải điền kinh quốc tế TPHCM mở rộng 2005 với thành tích 2 phút 4 giây 6.

Trong số những cái tên này, có người đang thi đấu, có người tiếp tục theo nghiệp thể thao bằng công tác huấn luyện và cũng có người vì nhiều lý do hiện đầu quân cho tỉnh khác. Nhưng dù thế nào thì tất cả đều có một điểm chung, đó là họ đã đánh đổi vinh quang bằng những giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu.

Nhìn bên ngoài, VĐV cờ vua nhẹ nhàng hơn các môn khác khi nắng không tới mặt, mưa chẳng tới đầu. Dẫu vậy, ai trong nghề mới hiểu. Do cứ phải ngồi lỳ bên bàn cờ, đầu óc luôn căng như dây đàn nên bạn trai em… nhiều lúc thấy bực do khi nào gặp nhau em cũng mặt mày “như bị mất tiền” - nữ kỳ thủ Như Ý cười cười.

Nói gì thì nói, các bạn nam vẫn lợi thế hơn nữ trong những môn thể thao nặng, có tính đối kháng. Chỉ riêng chuyện “tế nhị” của phụ nữ cũng đã là một rào cản trong tập luyện, thi đấu. Đặc thù của thể thao là đa phần phải tập luyện ngoài trời và luôn gặp phải chấn thương, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chuyện lập gia đình sau này – cựu tuyển thủ Karatedo Hà Kiều Trang chia sẻ.

Là phái nữ, ai chẳng thích xinh xắn, trắng trẻo trong mắt mọi người, nhất là với “người đặc biệt”. Khổ nỗi, đã là dân thể thao, chuyện áo chuyện quần, chuyện tóc tai trang điểm gần như là thứ xa xỉ với các nữ VĐV. Thử nghĩ, một ngày vài ba tiếng phơi nắng trên đường chạy thì có đổ cả… tấn kem dưỡng da trên người cũng không thua. Chưa kể lúc tập xong, người như cứ bị ai tháo từng khớp xương, khi ấy nghỉ cũng không muốn nghỉ chứ đừng nói là “tút” lại nhan sắc – HLV điền kinh Đỗ Thị Bông tâm sự.

Chấn thương và để lại di chứng, nhất là trên mặt, luôn là nỗi ám ảnh của nữ VĐV. “Các môn khác không biết sao chứ với VĐV môn vật chỉ cần nhìn vào tai là biết ngay. Sần sùi, nổi u… thấy ghê lắm. Nhiều lúc nhìn mình trong gương mà muốn khóc”, nữ đô vật Phương Anh cho biết. Tiếp lời bạn, Nguyễn Thị Trang (Taekwondo) chia sẻ: “Ở môn taekwondo, dù có đồ bảo hộ nhưng trong tập luyện, thi đấu, việc rách mí mắt, gãy răng, gãy tay hay cơ thể bầm dập là “chuyện thường ngày ở huyện”. Với phụ nữ, khuôn mặt là nơi cần giữ gìn nhất nhưng như tụi em, chỉ cần không phải “bắt vít” hoặc sẹo lồi là “cảm ơn trời đất” rồi.

Bên cạnh chấn thương thì việc ép cân, tăng cân cũng khiến các nữ VĐV lo lắng khi ngoại hình tự nhiên gầy, béo bất thường. Anh thử nghĩ, đang ở mức trên 50kg nhưng khi phải đánh hạng 45kg cũng đồng nghĩa với việc em phải mặc áo ấm, áo mưa bó chặt như đòn bánh tét cả ngày. Trời rét còn đỡ chứ trời nắng mấy ai chịu nỗi? Tăng cân nhìn qua dễ thở hơn nhưng thật ra, đang khi vóc dáng “tạm ổn” bỗng nhiên cơ thể to hơn thì cảm giác nặng nề và chẳng thoải mái chút nào, nữ võ sĩ Judo Anh Thư cho biết.

Khi phái nữ theo con đường thể thao chuyên nghiệp cũng có nghĩa đã xác định bản thân phải chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng dẫu vậy, chưa ai trong số những cái tên kể trên tỏ ra hối hận hoặc có ý bỏ dỡ cuộc chơi. Bởi, bên cạnh nghiệp thể thao đã ăn vào máu, bên cạnh muốn khẳng định những giọt mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu đã đổ ra trên sàn tập và trong thi đấu không phải là vô ích thì trong sâu thẳm, những bóng hồng của thể thao đỉnh cao Huế muốn chứng tỏ (và đã chứng minh) rằng, những gì nam giới làm được thì nữ giới cũng làm được, thậm chí làm tốt hơn!

Võ Nhân