Việt Nam mạnh mẽ hơn từ khủng hoảng COVID-19. Ảnh minh họa: Thanh Niên
Đại dịch đã ảnh hưởng xấu đến tất cả các lĩnh vực của Việt Nam, đặc biệt ngành hàng không và du lịch là hai lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã ghi nhận thiệt hại từ việc đóng cửa các tuyến bay lên đến 1,3 tỷ USD. Cùng với đó, ngành du lịch của Việt Nam cũng đang đối mặt với mức thiệt hại ước tính khoảng từ 5,9 - 7 tỷ USD.
Tác động từ biện pháp giãn cách xã hội
Những biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội được chính phủ đưa ra cho thấy tính hiệu quả rất cao, song nhiều doanh nghiệp, trong đó bao gồm nhà hàng, quán ăn, rạp phim và dịch vụ giải trí chịu ảnh hưởng cực kỳ lớn do nhu cầu của khách giảm giảm mạnh.
Ngành giáo dục và đào tạo cũng không ngoại lệ khi các trường trên toàn quốc phải đóng cửa tạm thời...
Ước tính có đến 10,3 triệu người đối mặt với nguy cơ mất việc hoặc giảm thu nhập. GDP của Việt Nam có thể giảm từ mức 7% trong năm 2019 xuống còn 4% trong năm 2020.
Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam đã đặt sức khỏe cộng đồng lên hàng đầu. Do đó, mọi biện pháp hạn chế đều có thể hiểu được và đây chính là nền tảng tạo nên sự thành công trong công tác chống dịch COVID-19.
Việt Nam đang làm gì?
Là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ 3 trên thế giới, Việt Nam đã và đang giám sát chặt chẽ hoạt động xuất khẩu gạo của mình để đảm bảo an ninh lương thực. Chính phủ cũng đã phê duyệt gói hỗ trợ 2,66 tỷ USD cho những đối tượng chịu ảnh hưởng lớn, ngưng thu thuế và ngưng yêu cầu thanh toán các khoản sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngoài ra, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp và tổ chức xúc tiến thương mại nỗ lực phát triển các biện pháp tiếp thị trực tuyến và nhiều hoạt động thương mại điện tử khác; đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin (IT) trong hoạt động.
Mặc dù còn mới đối với Việt Nam, song giáo dục trực tuyến trong thời kỳ khủng hoảng có thể giúp giải quyết sự chênh lệch trong việc tiếp cận tri thức trên toàn quốc.
Các giải pháp dựa trên CNTT đã và đang mở rộng sang lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bằng việc phát triển ứng dụng công nghệ cao để ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch, triển khai mở rộng các dịch vụ và thông tin liên quan qua mạng lưới CNTT và viễn thông điện tử.
Sản xuất ra bộ kít xét nghiệm COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận và quyên góp vật tư y tế cho nhiều nước chống dịch,... là minh chứng cho thấy khả năng của Việt Nam trong nghiên cứu và chăm sóc sức khỏe.
Không những vậy, sự quản lý, tinh thần trách nhiệm của những người ở tuyến đầu đã thành công lớn trong công tác phát hiện, cách ly ngay các trường hợp nhiễm mới, duy trì tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng thấp ở Việt Nam.
Một cuộc khảo sát quốc tế chỉ ra rằng, 62% số người tham gia nhận định Việt Nam đang “đi đúng đường”. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số 45 quốc gia được khảo sát.
Tầm quan trọng của hành động kịp thời, kết nối xã hội cao và thích ứng tốt chính là cách Việt Nam biến thách thức thành cơ hội để vươn lên. Điều này cần được thừa nhận.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ CNA)