Hình ảnh từ hiện trường cho thấy, có những nơi, lượng bèo dày đặc đến nỗi, các lực lượng phải làm cầu phao để đưa máy xúc trục vớt.

Cách đây chưa lâu, có dịp đi qua khu vực sông Phổ Lợi thuộc huyện Phú Vang, chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi toàn bộ con sông phủ kín bèo tây, không còn một khoảng trống. Người dân dọc sông cho hay, gần đây, bèo phát triển nhanh, chiếm lĩnh, mọi hoạt động nuôi, đánh bắt cá trên sông hoàn toàn đình trệ. Bèo dày đặc ngăn cản dòng chảy, ảnh hưởng môi trường, sản xuất nông nghiệp và giao thông.

Bèo lục bình dày đặc ngăn cản dòng chảy, ảnh hưởng môi trường. Ảnh: Nguyễn Quân

Phú Vang là một trong những địa phương có lượng bèo chiếm tỷ lệ nhiều nhất tỉnh. Con số thống kê sơ bộ năm 2019 cho thấy, lượng bèo ở đây chiếm gần 1/3 khối lượng bèo phát sinh trên toàn tỉnh, có mặt ở các sông, hói chính ở 13 xã, thị trấn trong tổng số 20 xã, thị trấn của huyện.

Hầu hết các con sông như Phổ Lợi, Như Ý, Đại Giang và các con hói đều ngập bèo. Tổng chiều dài các sông cần vớt bèo, rác thải và giải tỏa vật cản thông dòng sông, hói toàn huyện trong năm 2019 lên đến 45.290m, diện tích bèo trên sông, hói chiếm đến 226.890m2.

Trong khi đó, tại địa bàn TP. Huế, có những thời điểm, bèo phủ kín sông Hương và các nhánh sông Đông Ba, Kẻ Vạn, Bạch Yến. Mới đây, ngay sau thời điểm hết giãn cách phòng chống COVID-19, UBND TP. Huế đã huy động lực lượng trục vớt bèo bằng máy cuốn, đò, xe múc và rất nhiều nhân công. Cùng với bèo, rác thải, bao bì do người dân sinh sống dọc hai bên sông xả xuống gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng sinh hoạt người dân, cảnh quan đô thị, sản xuất nông nghiệp.

Để ngăn chặn vấn nạn bèo tràn lan, Chủ tịch UBND tỉnh từng ban hành Công văn số 3385/UBND-NN về việc xử lý tình trạng bèo lục bình lây lan trên diện rộng. Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan khảo sát, lập kế hoạch và lên phương án trục vớt bèo trên các sông, hồ, kênh rạch trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP. Huế và UBND các xã, phường, thị trấn chủ động phối hợp với Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế, lồng ghép vào kế hoạch thực hiện chương trình “Ngày Chủ nhật xanh” để tổ chức vớt bèo.

Chỉ đạo đã có. Hệ lụy từ “giặc bèo” bành trướng cũng đã rõ. Điều đáng bàn là các giải pháp xử lý bèo xem ra chưa hiệu quả, chưa triệt để.

Tại không ít địa phương, tình trạng bèo xuất hiện không được xử lý sớm, để bèo lây lan, phát triển trong thời gian dài, gây khó khăn cho việc xử lý. Vẫn còn tâm lý "đùn đẩy" trách nhiệm, thiếu sự phối hợp đồng bộ liên xã, liên huyện, liên vùng, nên việc dọn sạch bèo trên các sông, hói vẫn chưa được thực hiện triệt để, hiệu quả.

Nếu không quyết liệt hơn, không gắn bài toán xử lý bèo với trách nhiệm người đứng đầu mỗi địa phương, mỗi ngành liên quan trong việc ngăn chặn bèo từ đầu, tránh lây lan, lưu cửu trong thời gian dài thì e rằng, những đợt ra quân trục vớt bèo chỉ mới giải quyết được phần ngọn và thiếu hiệu quả lâu dài.

Nhật Nguyên