Cô Bùi Thị Hiệp
Tiểu học Thượng Lộ là ngôi trường định canh định cư thuộc xã nghèo của Nam Đông, 100 % học sinh ở đây là con em dân tộc thiểu số. Có mặt nơi đây từ những ngày đầu, cô Hiệp cùng anh chị em đồng nghiệp chung sức chung lòng để từng bước đi qua những tháng ngày gian khổ. Ngôn ngữ bất đồng, giao tiếp đã khó, dạy cho các em biết đọc, biết viết, nắm và hiểu bài học lại càng khó hơn. Cơ sở vật chất thiếu thốn, học sinh đến trường không đủ áo quần, sách vở, nghỉ học tự do…không nản chí, cô Hiệp miệt mài ngày đêm cắm bản, cắm trường. Cũng như bao đồng nghiệp khác, cô Hiệp không có bí quyết nào khác ngoài tình yêu nghề tha thiết, tấm lòng tất cả vì đàn em thân yêu.
Mỗi bài giảng chất chứa một tấm lòng. Trong mỗi tiết học cô Hiệp không ngừng trăn trở để tìm ra phương pháp truyền đạt dễ hiểu, dễ nhớ nhất cho các em. Gắn bó, thấu hiểu hoàn cảnh, tính cách của con em dân tộc, kiên trì, nhẫn nại, cô Hiệp luôn tìm cách để được gần gũi, chia sẻ, giúp đỡ các em. Những em nào tiếp thu bài chậm, cô dành thời gian giúp đỡ, kèm cặp thêm ngoài giờ. Em nào có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ không cho đến trường, cô về tận nhà để động viên các em trở lại trường.
Cô tâm sự: “Những năm đầu đi dạy, trường học rất tạm bợ, mùa đông cô trò rất lạnh. Học sinh đi học không đúng độ tuổi, nghỉ học tùy tiện để ở nhà giúp gia đình kiếm tiền. Nay trường học khang trang hơn. Tuy nhiên, đời sống đồng bào dân tộc nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Tình trạng học sinh có tư tưởng nghỉ học vẫn còn. Vì thế, giáo viên phải kịp thời nắm bắt, đi vận động từng nhà để các em trở lại trường, duy trì số lượng”.
Làm công tác chủ nhiệm, cô giáo Bùi Thị Hiệp luôn sáng tạo những hình thức sinh hoạt tập thể phù hợp tâm lý lứa tuổi để tạo sân chơi cho các em. Hằng năm, cô đã tổ chức cho các em đi tham quan ở các di tích, thắng cảnh. Chính những đợt trải nghiệm này đã tiếp thêm niềm vui, lôi cuốn các em đến trường, đến lớp. Nhiệt huyết, yêu nghề, sống giản dị… hình ảnh cô giáo Hiệp luôn để lại trong lòng biết bao thế học sinh dân tộc Cơ Tu tình cảm yêu quý, tự hào. Em Hồ Trần Hoài Anh xúc động: “Được học với cô Hiệp 2 năm em rất thích. Cô dạy rất hay và rất thương yêu học sinh. Em yêu cô qua những bài giảng, sang năm lên lớp 6, em rất nhớ cô”.
Gần gũi, giản dị, luôn tận tâm chia sẻ kinh nghiệm với thầy cô trẻ, không ngại khó, ngại khổ... cô Hiệp luôn được đồng nghiệp, học sinh yêu mến, trân trọng. Chia sẻ về phương pháp giáo dục học sinh dân tộc, cô Hiệp trải lòng: “Với các em, có lúc cần phải nghiêm nghị, có lúc cần mềm dẻo, đừng bao giờ nóng vội. Trong khi lên lớp, tôi thường xuyên động viên, khen ngợi các em, dù đó chỉ là sự tiến bộ rất nhỏ”.
Không chỉ dạy chữ, truyền đạt kiến thức bằng tất cả niềm đam mê, nhiệt huyết, đáng trân trọng hơn nữa ở cô Hiệp là tấm lòng yêu thương những hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm qua, cô đã cùng với người chồng cũng làm nghề giáo bỏ tiền lương của mình, rồi vận động từ những tấm lòng hảo tâm để chia sẻ, giúp đỡ biết bao học sinh nghèo không đủ áo quần, sách vở đến lớp. Hiện tại, Trường tiểu học Thượng Lộ có 126 học sinh, trong đó có 37 học sinh nghèo được ăn sáng miễn phí từ quỹ từ thiện mà cô Hiệp là người trực tiếp đứng ra vận động, quyên góp. Em nào thiếu áo, thiếu vở… là cô giúp đỡ kịp thời.
Thầy giáo Nguyễn Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thượng Lộ nhận xét: “cô Hiệp là giáo viên yêu nghề, có trách nhiệm cao và có tấm lòng nhân ái. Cô dạy và chủ nhiệm lớp cuối cấp, vừa làm tổ trưởng chuyên môn, Chủ tịch Công đoàn trường, ở nhiệm vụ nào cô cũng hoàn thành xuất sắc”.
Bài, ảnh: Văn Toản - Mỹ Ngọc