Lực lượng Đồn BPCK A Đớt vượt suối băng rừng đến các bản biên giới tiền tiêu để “4 cùng” với người dân biên giới
Vượt hơn 110km từ TP. Huế, giữa trưa tôi mới đến Trạm Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân (A Lưới) với chiếc xe máy cà tàng.
Hết lên dốc rồi xuống dốc, đánh vật với đoạn đường ở dốc Mèo gần một tiếng đồng hồ mới đến được trạm. Đến nơi, thật xúc động khi các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã đứng chờ ở sân.
Trước khi đến Hồng Vân, tôi đã được nghe về cung đường dốc Mèo cách trở này, nhưng khi đi qua mới thấy những gian lao, vất vả mà bao lâu nay các chiến sĩ Trạm BPCK Hồng Vân vẫn ngày ngày vượt qua.
Đồn BPCK Hồng Vân là đơn vị quản lý 26km đường biên giới ở các xã Trung Sơn, Hồng Thủy và Hồng Vân của huyện A Lưới, giáp với nước bạn Lào. Xã Hồng Vân lúc đó có 619 hộ thì có đến 274 hộ nghèo, chiếm 44,26%. Đồn BPCK Hồng Vân đã cử hẳn một tổ công tác cắm ở địa bàn gồm 4 người, có cả quân y để giúp khám chữa bệnh cho bà con.
Đại úy Hồ Thanh Bình, lúc đó là Trạm trưởng Trạm BPCK Hồng Vân kể: “Hàng ngày anh em cầm tay chỉ từng việc một, nhưng hướng dẫn cho bà con làm xong ngày hôm trước, hôm sau họ lại quên”. Tổ công tác tăng cường cứ thế thay nhau bám bản, chỉ cho bà con cách làm ruộng cấy lúa nước, nuôi heo, chăn bò, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, trồng rừng...Đại úy Hồ Thanh Bình nhớ lại, chỉ riêng việc vận động bà con ăn ở vệ sinh, làm chuồng trại nuôi gia súc, cho người bệnh uống thuốc thay vì cúng Giàng... đã mất mấy năm trời.
Buổi làm việc tại Trạm BPCK Hồng Vân diễn ra từ giữa trưa đến nửa chiều. Lúc trời còn nắng chang chang phía dốc Mèo, vậy mà nửa chiều trời đã trở gió và bắt đầu mưa. Đại úy Hồ Thanh Bình cười: “Dưới xuôi, đài báo trở gió phải một hai hôm sau mới đến. Trên này vừa nghe tin là đã thấy nó về sau lưng”. Câu nói của người trạm trưởng rất hồn nhiên, nhưng tôi hiểu nhiều điều trong câu chuyện nắng mưa mà các anh phải đối mặt ngày đêm trên miền biên ải này.
Rời Đồn BPCK Hồng Vân, tôi tiếp tục chạy xe máy chừng 60 cây số trên tuyến đường Hồ Chí Minh lên Đồn BPCK A Đớt. Đang loay hoay với chiếc áo mưa tiện lợi rách tươm vì gió, thì bỗng nghe tiếng gọi từ đằng sau: “Nhà báo tìm đường lên Đồn BPCK A Đớt phải không?”. Phía sau là Trung tá Phạm Văn Đảng, cán bộ Đồn BPCK A Đớt tăng cường làm Phó Bí thư Đảng uỷ xã A Đớt. Anh cùng mấy anh em ở đơn vị đang đợi ở đây theo đúng hẹn để đưa tôi ngược lên các bản làng biên giới...
Tôi theo chân Trung tá Đảng vượt qua những dốc đèo quanh co để đến với bản La Tưng, nơi tận cùng miền biên giới A Lưới, giáp với nước bạn Lào. Bản La Tưng lúc đó vẫn còn lắm khó khăn do địa bàn nằm sát đường biên giới. Xe rẽ dốc vào bản cũng vừa lúc trời đã chập tối. Ổn định xong vị trí “đóng quân” thì đèn cũng bắt đầu sáng trong từng ô cửa. Đêm đầu tiên tôi ngủ trên vùng đất biên cương của Tổ quốc. Đêm biên giới, cả bản khoác lên mình sự lặng lẽ, u tịch của núi rừng.
Trời còn chưa tỏ mặt người, Trung tá Đảng tốc chăn vùng dậy. Sau một lúc lục đục bếp núc củi lửa, anh dọn ra bàn các tô mỳ tôm nóng hổi. Vừa ăn, anh Đảng vừa trầm ngâm: “Khó khăn của đồng bào giống hệt như ngọn núi trước mặt kia, có quá nhiều việc cần phải làm để giúp bà con...”.
Qua từng câu chuyện của Trung tá Đảng, lần đầu tiên tôi cảm nhận về bao gian lao, vất vả của cán bộ, chiến sĩ biên phòng tăng cường ở các địa bàn biên giới.
Anh Đảng tâm sự: “Thời gian đầu bắt tay vào tuyên truyền, vận động đồng bào thì khổ nỗi ngôn ngữ bất đồng, nên nhiều vấn đề người dân không hiểu. Thế là mình phải học tiếng dân tộc Pa Cô, tìm hiểu các phong tục của bà con để thuận lợi trong công tác”.
Việc đầu tiên mà anh Đảng thực hiện trên cương vị tăng cường về xã là vận động cán bộ địa phương từng bước thay đổi lề lối làm việc, tham mưu cho cấp ủy củng cố các đoàn thể để thúc đẩy các phong trào và tăng cường công tác quốc phòng - an ninh. Tiếp đến, anh tìm hiểu về tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tham mưu đề ra giải pháp phát triển kinh tế - xã hội...
Trung tá Đảng bảo: “Để hướng dẫn bà con phát triển các mô hình kinh tế đạt hiệu quả, anh em phải học làm cán bộ khuyến nông, tìm hiểu các quy trình kỹ thuật, rồi làm mô hình điểm để bà con học tập, nhân rộng…”.
Có ở lại những nơi heo hút này mới cảm nhận hết nỗ lực của người lính biên phòng đã “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với đồng bào nơi đây. Câu chuyện về mô hình nuôi dê, nuôi bò, trồng cao su, hay ngô lai, cây chuối... để nâng cao đời sống cho người dân ở nơi khác nghe bình thường, nhưng ở miền biên giới này thì một thay đổi dù nhỏ cũng khiến ta cảm thấy ấm lòng.
Ngày đó, khi tôi đến A Đớt, mọi thứ vẫn còn hoang sơ. Đường đi còn xếp toàn đá lỏng chỏng. Có lẽ không có đường tốt nên cả xã hơn 350 hộ dân lúc đó, số xe máy, xe đạp chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bây giờ, cuộc sống người dân vùng cao đã khác hẳn. Điện đã về tận bản. Đường nhựa, đường bê tông phẳng lì. Người dân biết vận dụng khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, thoát nghèo... Thành quả ấy có sự góp công rất lớn của những người lính biên phòng bám bản, ngày đêm có mặt nơi tận cùng miền sơn cước và cái tâm của người cầm bút trên mặt trận văn hóa tư tưởng để thắp lên niềm tin cho người dân biên ải.
Bài, ảnh: Bá Trí