Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND tỉnh tham quan các mô hình, sản phẩm KHCH của Trường ĐH Nông Lâm

Thực hiện nhiều đề tài, dự án lớn

Vừa qua, khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các chuyên gia của ĐH Huế (trực tiếp là chuyên gia Trường ĐH Nông Lâm) triển khai “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo máy bóp bóng trợ thở tự động phục vụ điều trị bệnh nhân hô hấp trong bối cảnh dịch COVID-19”, với mong muốn phục vụ công tác dự phòng chữa bệnh cho bệnh nhân trong trường hợp khẩn cấp. PGS.TS. Lê Đình Phùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm cho biết, đây là một trong những nghiên cứu được ĐH Huế có cơ chế ưu tiên hỗ trợ kinh phí. Sau khi triển khai thử nghiệm đã cho thấy triển vọng.

Bên cạnh những đề tài, dự án, công trình nghiên cứu có tính đột phá để ứng dụng ngay, ĐH Huế cũng đã và đang triển khai thực hiện rất nhiều nghiên cứu, nhiệm vụ KHCN. Theo đại diện ĐH Huế, từ năm 1994 đến nay, ĐH Huế đã chủ trì thực hiện hơn 300 đề tài, nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước, bao gồm các dự án sản xuất thử nghiệm, đề tài độc lập, nhiệm vụ Nghị định thư, nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản; hơn 1.000 đề tài KHCN cấp Bộ, cấp tỉnh. Chỉ tính riêng trong 3 năm (từ 2017 – 2019), ĐH Huế có 5 nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia, 36 đề tài nghiên cứu cơ bản (Nafoted), 58 đề tài cấp bộ... Bên cạnh đó, từ năm 2011, hằng năm còn có các đề tài KHCN cấp ĐH Huế từ nguồn kinh phí cân đối của ĐH Huế với số lượng đề tài tăng lên hằng năm.

Điểm tích cực ở ĐH Huế là phạm vi đề tài nghiên cứu khá rộng, nhiều lĩnh vực, đồng thời việc hình thành nhiều nhóm nghiên cứu mạnh cũng giúp phát triển những hướng nghiên cứu chuyên sâu và có tầm cỡ. TS. Trần Viết Nhân Hào, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh Vật lý hạt nhân của ĐH Huế cho biết, hiện anh cùng nhóm nghiên cứu mạnh đang triển khai nghiên cứu nhiều đề tài các cấp, kể cả cấp Nhà nước, đề tài Nafosted (Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia) và cấp Bộ thuộc chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020. Điển hình như đề tài Nafoted “Các thông số đầu vào vi mô cho các phản ứng hạt nhân ở năng lượng thấp "có ý nghĩa rất quan trọng". Rào phân hạch và thế quang học là hai trong những thông số đầu vào quan trọng nhất của các chương trình tính toán phản ứng hạt nhân. Các thông số đầu vi mô này được kỳ vọng sẽ là các công cụ hữu hiệu để nghiên cứu cấu trúc và phản ứng hạt nhân ở vùng hạt nhân không bền mà các phòng thí nghiệm lớn trên thế giới và trong nước đang thực hiện. Mô hình của nhóm là một trong những mô hình vi mô tiên phong trên thế giới được kỳ vọng sẽ có khả năng tiên đoán được các số liệu thực nghiệm trong vùng hạt nhân không bền này”, TS. Hào nhấn mạnh.

Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp

Theo đại diện Ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ quốc tế, bên cạnh những điểm nổi bật, ĐH Huế vẫn còn nhiều nỗi lo liên quan đến nguồn thu từ KHCN và vấn đề chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm. PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế trăn trở, tuy có lợi thế đa ngành, đa lĩnh vực với nhiều trường thành viên, đơn vị trực thuộc nhưng thời gian qua, tính kết nối giữa các đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ về KHCN vẫn chưa tốt.

ĐH Huế đang nỗ lực xây dựng để trở thành ĐH Quốc gia theo định hướng nghiên cứu. Trong khi đó, ĐH nghiên cứu đúng nghĩa thì nguồn thu từ NCKH phải chiếm đáng kể. Trên thế giới, các trường ĐH nghiên cứu phải sống được bằng khoa học, chứ không phải sống bằng học phí. Điều đó đòi hỏi ĐH Huế cần triển khai nhanh nhiều giải pháp.

ĐH Huế đang phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, đó là hướng thuận lợi để tập trung thực hiện những nghiên cứu tầm cỡ. Theo đại diện lãnh đạo ĐH Huế, ngoài tập trung nguồn lực phát triển thêm các nhóm nghiên cứu mạnh thì ĐH Huế cũng sẽ đẩy mạnh các nhóm nghiên cứu mạnh đạt chuẩn cấp quốc gia, tức là có thể kết nối để được thực hiện nhiều dự án cấp quốc gia trong thời gian tới. Ngoài ra, ĐH Huế sẽ đẩy mạnh kết nối liên ngành, liên khoa, liên trường để khai thác hiệu quả nguồn nhân lực và cả cơ sở vật chất. Ngoài những đề tài theo định mức hằng năm, ĐH Huế cũng sẽ bố trí kinh phí, sẵn sàng hỗ trợ, ưu tiên những đề tài có tính đột phá với điều kiện phải có sản phẩm, có tính ứng dụng ngay để hỗ trợ cho tỉnh và các địa phương.

Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, hướng nghiên cứu sắp tới phải tập trung để có nhiều sản phẩm đảm bảo chất lượng và chuyển giao có nguồn thu, trong đó nguồn thu mỗi sản phẩm mang về ít nhất phải đạt từ 300 triệu đồng trở lên. Bên cạnh thương mại hóa sản phẩm, sẽ chú ý nhiều hơn đến sở hữu trí tuệ, bản quyền sản phẩm. Để nâng tầm của một ĐH nghiên cứu, song hành cùng nhiệm vụ nghiên cứu thì thời gian tới ĐH Huế cũng chú trọng hơn đến công bố quốc tế nhất là các đề tài từ cấp ĐH Huế trở lên phải có bài báo quốc tế.

Bài, ảnh: Hữu Phúc