Nghiệp đoàn xích lô tại buổi đối thoại về chính sách BHXH

Anh Võ Văn Thành, nghiệp đoàn xích lô ở địa bàn TP. Huế, đặt câu hỏi: “Tôi đã tham gia đóng BHXH tự nguyện, đến năm 2018 tôi không đóng nữa thì số tiền tôi đã đóng sẽ giải quyết như thế nào? Tôi muốn hỏi số tiền tôi đóng vào, không được đóng tiếp mà cũng không làm sao để được thụ hưởng. Vậy nó đi đâu?”

 “Đã tham gia bảo hiểm thì được cấp sổ, được ghi nhận quá trình tham gia và được giải quyết tất cả các quyền lợi theo quy định của pháp luật. Sau này, nếu tiếp tục tham gia BHXH ở các đơn vị khác thì được đấu nối thời gian. Nếu đủ điều kiện, với BHTN đã đóng cũng thế, được cộng nối và khi thất nghiệp sẽ được hưởng các quyền lợi”, phía lãnh đạo BHXH tỉnh giải đáp thắc mắc của người lao động.

Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho rằng: Chúng tôi tập trung lắng nghe với tất cả trách nhiệm; cảm thông và hiểu được một cách sâu sắc những câu hỏi, lo âu và vướng mắc của người tham gia đối thoại. Đồng thời, thổi sự nhiệt tình vào trong những câu hỏi đặt ra cho người tham gia đối thoại; không ngại đào sâu chủ đề đối thoại, mặc dù điều này có thể gặp khó khăn.

Nếu người tham gia đối thoại muốn nói nhiều và muốn xoáy sâu vào nghiệp vụ, chúng tôi sẵn sàng đối mặt và giải đáp, cùng tháo gỡ. Nếu người tham gia đối thoại góp ý, phê bình thì không quyết liệt bào chữa. Thực tế diễn ra hầu hết ở các cuộc đối thoại, người tham gia BHXH (hoặc BHYT) bức xúc vì quyền lợi nên phát ngôn rất gay gắt, thậm chí tỏ thái độ thiếu thiện chí với cả người chủ trì.

Quá trình đối thoại được doanh nghiệp quan tâm theo dõi và BHXH tỉnh tháo gỡ tất cả vướng mắc trong thực hiện chế độ, thủ tục hành chính BHXH. Chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt thông qua phản hồi tích cực từ doanh nghiệp trong buổi đối thoại. Thông qua hoạt động đối thoại cùng với việc tuyên truyền, phổ biến, người lao động và xã hội nhận thức đầy đủ về chính sách, pháp luật BHXH. Đây cũng là một trong những nguyên do mà nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh rất ít đơn, thư khiếu kiện của tổ chức và công dân về BHXH; dư luận đồng tình với chính sách BHXH, hài lòng và đánh giá cao trách nhiệm của cơ quan BHXH.

Việc đối thoại chính sách BHXH vẫn còn nhiều hạn chế, như: hình thức, nội dung đối thoại còn đơn điệu; thiếu sự chủ động trong hoạt động đối thoại. Để một buổi đối thoại thành công việc chọn chủ đề đối thoại phải phù hợp nhận thức của từng nhóm đối tượng; thỏa mãn nhu cầu muốn hiểu biết các quy định về BHXH của tổ chức, cá nhân tham gia BHXH; giải quyết được cơ bản nhu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân tham gia BHXH khi đối thoại. Thông qua đối thoại phải giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình giải quyết chế độ, chính sách BHXH; khiếu nại của tổ chức, cá nhân về quyền lợi BHXH.

“Đối thoại chính sách BHXH” giữa cơ quan Nhà nước với tổ chức, cá nhân vào bất kỳ thời điểm nào vẫn đáp ứng được sự mong mỏi của tổ chức, cá nhân và sẽ nhận được sự hài lòng của người tham gia BHXH, sự đồng thuận của xã hội, từ đó góp phần thực hiện tốt chỉ tiêu “chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội” theo Nghị quyết số 28 - NQ/TW.

Bài, ảnh: Liên Minh