Tuyến đi bộ dọc sông Hương là điểm nhấn mới của Huế

Huế thay đổi khiến chúng tôi bất ngờ!

Phát triển du lịch, địa phương nào cũng hướng đến. Nhưng phát triển như thế nào tùy vào điều kiện của mỗi địa phương.

Gần đây, Huế nhận được rất nhiều lời “có cánh” của những người làm du lịch trong cả nước. Huế là thành phố đáng sống và là nơi để du khách tìm kiếm những giá trị sống đích thực bằng “chất liệu” riêng có, dựa trên môi trường, cảnh quan và di sản.

Theo những người làm du lịch, mục tiêu sau cùng của những chuyến đi du lịch là hướng đến hưởng thụ về tinh thần. Hưởng thụ vật chất quan trọng, nhưng sau mỗi chuyến du lịch, du khách đều muốn tạo ra cảm xúc mới, cân bằng cuộc sống, công việc.

Sau thời gian khá dài mới có dịp trở lại Huế, ông Trần Tấn Điền, Giám đốc Kinh doanh, Công ty CP Du lịch Việt Nam VITOURS không khỏi bất ngờ: “Huế khác quá! Con đường đi bộ dọc sông Hương tuyệt đẹp, người dân cả thành phố đều yêu xe đạp, học sinh tự nguyện nhặt rác trên sông Hương, buổi chiều người dân tắm sông, vui đùa... Những hình ảnh đó cho thấy, một điểm đến mà tự nội tại đã yêu thích môi trường, tôn trọng không gian sống, có ý thức chung để giữ gìn và phát triển... Những gì mà Huế đang thay đổi, tôi tin chắc Huế sẽ là thành phố đáng sống mới”.

Du khách dừng chân dưới những hàng cây xanh mát quanh Đại Nội

Là một trong ít người hiểu "cặn kẽ" về du lịch Huế, ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cũng cho rằng: “Huế dạo này đổi mới, sáng tạo trong cách làm, từ chỉnh trang đô thị, đến thành phố thông minh. Tiếng “lành” từ Huế ra đến Quảng Trị, Quảng Bình. Và khi vào Huế gần đây, tôi thấy Huế có luồng gió rất mới mẻ - giản dị, mộc mạc và đáng sống".

Huế sẽ còn thay đổi nữa, đô thị sẽ được chỉnh trang, cây xanh được trồng thêm, Thượng Thành, Hộ Thành hào… được trả lại giá trị. "Trên nền tảng di sản, môi trường trong lành, nhiều cây xanh, dịch vụ du lịch đẳng cấp, chuyên nghiệp, tinh tế hơn… thì Huế sẽ sang trọng biết bao. Và đó chính là những gì Huế cần làm tốt hơn nữa để mời chào du khách đến". TS. KTS. Đặng Minh Nam, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh nói về ý tưởng phát triển du lịch trên Thượng Thành, Hộ Thành hào.

Hoa luôn khoe sắc ở Huế

Nói về thành phố đáng sống, ông Trần Tấn Điền cho rằng, Huế không cần phải theo mô hình phát triển nào khác. Đâu cần phải hiện đại, cao tầng, nhộn nhịp mới là đáng sống. Huế cứ sạch sẽ, xanh mát, thành phố của xe đạp là hút khách gần xa.

Từ đáng sống đến nơi tìm kiếm hạnh phúc

Huế đang từng bước trở thành nơi đáng sống và hướng đến xứ sở của hạnh phúc. Điều đó Huế đang quyết tâm thực hiện, như lời của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ: “Huế có khát vọng về mục tiêu một Huế cổ kính, xanh, sạch, yên bình, là vùng đất hạnh phúc. Mục tiêu đó nằm trong tay của chúng ta và mỗi người dân”.

Dẫu biết, để là điểm đến mà du khách tìm kiếm được hạnh phúc không dễ dàng và tùy vào cảm nhận của mỗi du khách. Nhưng Huế có một giấc mơ, đó là người dân có cuộc sống sung túc, xã hội bình yên, chính quyền thân thiện, đang từng ngày vun đắp, xây dựng.

Ông Trần Tấn Điền góp ý, Huế đang đi đúng hướng, bằng cách phát triển dựa trên nguyên tắc tôn trọng môi trường. Những bước đi đó như chạy đà trở lại cho Huế, sớm trở thành điểm đến được du khách, lữ hành lựa chọn. Song, Huế cần xây dựng các tour theo cấp độ sao; trong đó, phải triển khai các tour du lịcht “VIP”, tour nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn 5 sao.

Ông Trần An Phong thông tin, người Quảng Bình hễ đau ốm gì cũng muốn vào Huế khám chữa bệnh. Cứ nghĩ đến ốm đau, ai chẳng lo lắng, bất an, nhưng khi được chữa trị khỏi, có hạnh phúc nào bằng. “Tôi không biết du khách ở nơi khác đến Huế đánh giá như thế nào, riêng với rất nhiều người dân ở Quảng Bình vào Huế là tìm kiếm hạnh phúc từ sức khỏe. Du lịch y tế là thương hiệu của Huế cần được chú trọng phát triển”, ông Phong bày tỏ.

Trong Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã định hướng phát triển cho Huế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, gắn với sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, trong thời gian đến, việc quảng bá thương hiệu du lịch về một Huế xanh, thành phố xe đạp, thành phố đi bộ, thành phố hạnh phúc… sẽ được khẳng định mạnh hơn, bên cạnh di sản, văn hóa đã được khẳng định.

Còn nhớ vào năm 2013, slogan “Huế - một quê hương của hạnh phúc” (Hue - A Homeland of Happiness) đã được gợi mở từ một chuyên gia du lịch đến từ Singapore. Những năm qua, thương hiệu này ít được đề cập đến vì nhiều lý do khác nhau. Sự đổi thay của Huế gần đây, đã đến lúc thương hiệu này cần được tự tin để quảng bá rộng rãi.

Bài, ảnh: Quang Sang -Nguyễn Phong