Đi theo từng gai đoạn phát triển ấy, nội dung báo chí, hay nói cách khác là những vấn đề quan tâm của báo chí cũng khác nhau. Bước ra khỏi chiến tranh, cả dân tộc đều khó khăn, thậm chí là đói khổ, kinh tế chú trọng phát triển cho cái ăn, tức là nông nghiệp. Giai đoạn này, báo chí tập trung chủ yếu vấn đề phản ánh là nông nghiệp. Một đề tài rộng lớn xoay quanh vấn đề nông nghiệp kéo dài hàng chục năm và báo chí phải có sứ mệnh tuyên truyền cho vấn đề này. Tình hình thực tế nông nghiệp như thế nào; thóc giống, phân bón, thủy lợi, mùa vụ, cày cấy… được đề cập hàng ngày trên báo chí. Có cái gì mới xuất hiện trong nông nghiệp thì y như rằng đó là trọng tâm phản ánh của báo chí trong và ngoài tỉnh. Và thực tế, nếu có muốn phản ánh những lĩnh vực nào khác cũng không có hiện thực để mà phản ánh. Những tin tức như thế này làm gì có trong thời đại công nghiệp, du lịch dịch vụ chiếm ưu thế…, như: “đến thời điểm này, hợp tác xã (HTX) A, HTX B, huyện A, huyện B đã cày cấy bao nhiêu phần trăm diện tích, đã gặt bao nhiêu phần trăm diện tích… nhưng thời ấy là đầy rẫy trên báo chí. Người ta quan tâm là vì hầu như ai cũng dính dáng đến nông nghiệp. Các cơ quan quản lý một phần dựa vào đó để chỉ đạo điều hành. Giờ thì đúng là những chuyện như vậy, cánh nhà báo trẻ khó hình dung được?

Khi ngành công nghiệp bắt đầu manh nha và ngày càng phát triển mạnh hơn thì đề tài của báo chí cũng được mở rộng. Sức hấp dẫn của báo chí chính là tìm kiếm cái mới. Lúc này công nghiệp là cái mới. Vậy là đề tài nông nghiệp không còn chiếm thế thượng phong…

Còn bây giờ thì đề tài của báo chí quá rộng, tha hồ mà lựa chọn, tha hồ mà phản ánh, phân tích, bình luận. Từ nông nghiệp công nghệ cao đến công nghiệp, từ du lịch dịch vụ đến xuất nhập khẩu; từ đô thị hóa nông thôn đến quản lý và xây dựng đô thị; từ biến đổi khí hậu đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên; từ kiến trúc, xây dựng đến thẩm mỹ làm đẹp; từ chính luận đến giải trí; từ dự án đến tình trạng tham ô tham nhũng; từ sự vận hành của nền hành chính đến hoạt động của doanh nghiệp… Nói thế để thấy rằng, cũng như nhiều lĩnh vực khác, hoạt động báo chí hiện nay có những điểm thuận lợi hơn hồi xưa quá nhiều. Đi cùng với đó là sự hỗ trợ phát triển của công nghệ. Khó ai hình dung bây giờ, mỗi người dân cũng có thể là một “nhà báo”, phản ánh mọi lúc, mọi nơi.

Phàm cái gì cũng có tính hai mặt. Càng thuận lợi về môi trường hoạt động thì đòi hỏi sức sáng tạo của nhà báo càng cao. Bởi nhu cầu tiếp nhận và mở rộng thông tin của người tiếp nhận cũng cao. Trong một rừng thông tin để tìm ra dòng thông tin chủ lưu không phải dễ; trong hàng trăm đề tài chọn cho ra đề tài phản ánh cho hấp dẫn không dễ dàng chút nào. Nếu không có sức sáng tạo thì nhà báo, tác phẩm báo chí cũng rất dễ rơi vào tình cảnh “nhàn nhàn, nhạt nhạt”. Như vậy, cứ tưởng dễ mà hóa ra khó.

Đã là nhà báo, mà không riêng gì nhà báo – “nhà nào” cũng vậy thôi, muốn làm tốt công việc trong thời buổi hiện nay cần sự nỗ lực hơn trước rất nhiều. Nỗ lực từ trong nghề (tư duy, viết lách); từ trách nhiệm xã hội; từ học hỏi để theo kịp xu hướng công nghệ; thậm chí là cả sức khỏe để làm việc ở cường độ cao… Và như thế, nghề báo cũng trở nên vinh quang lắm vậy!

NGUYÊN LÊ