Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn... đều có chương trình giảm giá để kích cầu du lịch. Ảnh: PHONG NGUYỄN

Gọi là gần như, vì hình như đa phần khách lên chuyến bay để trở về, hoặc bắt đầu một chuyến công tác mới. Chỉ vào khoảng 1/3 trong số này có vẻ như đang trong một kỳ nghỉ. Những vị khách nước ngoài ít ỏi có lẽ đã ở Việt Nam trong thời điểm trước COVID-19. Không có gì đáng ngại khi tất cả đều chuẩn bị lên một chuyến bay. Điều này làm tôi nhớ trước khi ra cổng ở chiều đi, tại Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, ai đó đã hỏi về chuyện ông tây kia đã được đo thân nhiệt chưa. Sự cẩn thận ấy có lẽ cũng là một trạng thái bình thường mới.

Nói điều này là bởi vì đang trong mùa có thể du lịch rất tốt, song dường như điều đó vẫn chưa thực sự có nhiều khởi động từ phía khách hàng. Ngay cả ở mảng khách nội địa vì có rất nhiều điều cần phải được tiếp tục làm bù cho những ngày ngưng đọng bởi dịch bệnh; rất nhiều trạng thái đang ở chế độ chờ vì con cái đang phải đến trường…

Có rất nhiều chương trình kích cầu đã được mở không chỉ từ các công ty du lịch dịch vụ, các công ty lữ hành và các hãng hàng không, tàu xe vận tải cũng như chính quyền của các điểm đến. Đó là sự chuẩn bị để bắt đầu cho những tháng ngày mới, sau ngày COVID-19 được kiểm soát. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, việc lấy lại những thị phần đã bị dịch bệnh lấy mất không phải là điều dễ dàng. Khách quốc tế - một thị phần chiếm tỷ trọng rất lớn của du lịch dịch vụ chưa thể đến và cũng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cảng hàng không quốc tế chưa mở và một nguy cơ thứ hai về đại dịch vẫn còn tiềm ẩn ở bên ngoài biên giới. Khách nội địa đa phần vẫn chưa phân bổ được thời gian hợp lý…

Thời gian cho sự chịu đựng có lẽ vẫn đang còn ở phía trước, cho dù khách du lịch nội địa bắt đầu có sự xê dịch theo hướng tịnh tiến dần. Nhưng với du lịch và dịch vụ, đó cũng là những ngày dần vui. Ít nhất thì cũng là nhiều khung cửa khách sạn đã sáng đèn trở lại. Nhân viên có thể thay nhau trở lại làm việc. Tôi đã nghĩ về sự chịu đựng lớn hơn, của mảng du lịch dịch vụ khi nghe câu chuyện của hai nhân viên bên hành lang một khách sạn lớn ở Hà Nội, rằng cứ thay nhau chịu đựng, rồi mọi việc sẽ trở lại như cũ…

Sự tổn thương của nền kinh tế do suy thoái về du lịch trên bình diện toàn cầu đã ảnh hưởng đến nhiều cá thể, và không chỉ trong một lực lượng lao động ở mảng du lịch, dịch vụ mà còn cả những mảng ngành nghề cơ hội kèm theo. Lượng khách quốc tế giảm sâu đến 57% với 67 triệu lượt khách trên toàn thế giới trong tháng 3 năm nay và 94% nhu cầu đi lại hàng không mà Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) công bố là một thông số để chúng ta nhìn về điều này như một sự chịu đựng chung. Nhưng cũng có những thông tin vui khi cũng theo IATA, số chuyến bay nội địa trên toàn cầu đã tăng mạnh. Một dự đoán khác có vẻ cũng rất khả thi khi cho rằng, cùng với du lịch nội địa, du lịch khu vực sẽ là giai đoạn phục hồi tiếp theo. Châu Á, một lần nữa sẽ là khu vực dẫn dắt xu hướng này (nguồn từ Saigontimes).

Chịu đựng và chờ đợi, chắc chắn không phải chỉ là trạng thái của hai nhân viên khách sạn mà tôi đã gặp mà là sự chịu đựng và chờ đợi ở một biên độ rộng, với mong muốn để phục hồi dần nền kinh tế, của toàn cầu, của từng quốc gia và từng khu vực, từng địa phương. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta đã kích hoạt lại và đặt lĩnh vực này trong tư thế sẵn sàng, một cách tốt nhất có thể…

NHIÊN LÊ