Một buổi sáng như mọi ngày trong thời gian cao điểm của dịch COVID-19 tại Việt Nam, nhân viên xét nghiệm của Khoa Vi sinh – Bệnh viện Trung ương Huế bắt đầu hành trình tìm kết quả của các mẫu bệnh phẩm. Khu vực xét nghiệm với máy móc hiện đại luôn sáng đèn liên tục. Những mẫu bệnh phẩm có thể chứa virus sống nên độ kỹ lưỡng, sự an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Từ khâu kiểm tra và mã hóa mẫu để khẳng định thông tin cá nhân, yếu tố dịch tễ đến lúc cho ra kết quả được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt.

Cùng các cán bộ xét nghiệm đi tìm kết quả mẫu bệnh phẩm, tôi mới cảm nhận rõ được những hy sinh thầm lặng của họ. Áp lực là điều không tránh khỏi, trong ánh mắt của cán bộ xét nghiệm khi nhìn thấy kết quả mẫu bệnh phẩm là lắm nỗi âu lo. Kết quả âm tính hay dương tính tạo ra những cảm xúc hoàn toàn trái ngược.

Đa số cán bộ xét nghiệm đều là những y, bác sĩ, kỹ thuật viên có tuổi đời còn khá trẻ. Họ phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít mà khi tôi có dịp "được diện" mới cảm thấy được nỗi bức bí, khó chịu. Ấy thế mà trừ những bữa cơm, trang phục đó với cán bộ xét nghiệm không thể tách rời. Quá trình làm việc, họ không lúc nào ngơi nghỉ bởi quy trình có nhiều công đoạn, mỗi công đoạn lại có nhiều bước đòi hỏi sự tỉ mỉ, thận trọng và chính xác tuyệt đối.

Sau khi trực tiếp đối diện với “tử thần”, chứng kiến quy trình xét nghiệm ngay trong khu vực nội bất xuất ngoại bất nhập mới thấy được sự hiểm nguy. Cởi bộ đồ bảo hộ, vệ sinh dụng cụ tác nghiệp theo đúng quy tắc của các nhân viên xét nghiệm, những vết hằn trên gương mặt, cổ tay tôi dần lộ, hình ảnh đó với những người tuyến đầu chống dịch luôn thường trực mỗi ngày. Hàng trăm mẫu xét nghiệm mỗi ngày không cho phép các y, bác sĩ có một giấc ngủ ngon, bữa cơm đàng hoàng và càng không có nhiều thời gian dành cho gia đình, con cái.

Chỉ một lần được trải nghiệm ở phân tích, đọc mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 là đủ để tôi cảm nhận được những gì các "hiệp sĩ áo trắng" đã làm để mang đến sự an toàn cho cộng đồng.

LÊ THỌ