Báo in vẫn có vị trí nhất định trong lòng bạn đọc

Đó là khi phát thanh ra đời, người ta dự báo radio sớm muộn rồi cũng sẽ thay báo in. Bởi đã có người đọc cho mà nghe, ai hơi đâu phải giương mắt mà mò mẫm từng chữ. Nhưng rồi, đợi mãi vẫn không thấy báo in… chết. Ngược lại báo vẫn ra đều, vẫn được hàng triệu triệu độc giả háo hức chờ đọc, cho dù bên tai vẫn đang rổn rảng tiếng radio.

Tiếp đó là sự ra đời của tivi, người ta cũng dự báo “cú ni báo in… chết chắc”. Nhưng rồi, mặc ti vi, mặc radio, ai đâu có sân chơi đó, báo in vẫn phát hành, vẫn được độc giả yêu mến, nhiều tờ báo vẫn sống khỏe.

Nhưng rồi internet phát triển, báo điện tử, mạng xã hội bùng nổ, không thấy ai dự báo, nhưng báo in thì “cú ni” lao đao thực sự. Tia - ra lao dốc, nhiều tòa soạn chật vật chạy tiền nuôi nhân viên, thậm chí có những tờ, như Lloyd’s List - tờ báo lâu đời và uy tín nhất London (Anh) buộc phải tuyên bố ngừng in sau gần 280 năm tồn tại và phát triển… Báo chí trong nước cũng không nằm ngoài vòng xoáy ấy. Một số đồng nghiệp đang công tác ở một tờ báo thuộc hàng lớn nhất nước tiết lộ báo của họ phải thải tối đa phóng viên, nhân viên hợp đồng, sắp xếp tối giản bộ máy; quảng cáo thì toàn in “ảo” để giữ thương hiệu chứ không có phí; lượng phát hành thì có những lúc rơi theo chiều thẳng đứng. Hệ thống báo Đảng thì cho dù đã có chỉ thị từ Trung ương, của các Tỉnh ủy, Thành ủy, song rất nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức vẫn lấy cớ “đã đọc báo mạng” để không đặt/mua báo…

Trong cái “bối cảnh” nghe rất dễ nản ấy thì gần nhà tôi, có một bác quê ở Thanh Hóa thỉnh thoảng vào thăm con. Mỗi lần như vậy ông ở lại cả tháng. Biết tôi làm báo, ông lân la làm quen, hỏi mượn báo về đọc. Báo mới báo cũ gì ông cũng đọc say sưa, không sót một trang. Ông bảo, cũ người nhưng mới ta. Đọc nó vừa vui, vừa mở mang đầu óc… Có bạn đọc như thế thì còn gì sướng hơn. Vậy là tôi đóng vai người cung cấp báo nhiệt tình cho người bạn đọc nhiệt thành là ông. Và bỗng dưng tự thấy phải có trách nhiệm làm báo cho tử tế để khỏi phụ công ông đọc.

Rồi trong một chuyến công chuyện tại Đà Nẵng, trên đường ra, có lần tôi ghé quán gỏi cá ở đầu cầu Nam Ô. Ở đây có ông chủ quán hoạt bát, vui vẻ. Tại một chiếc bàn đặt ở vị trí mát mẻ của quán, ông xếp cả chồng báo. Ông bảo: “Tôi cũng có smart phone, có mạng, có tivi, radio đủ cả, nhưng gì thì gì cũng cứ phải có báo in mới được. Đọc tờ báo in, nó sướng…”. Thế nên sáng nào ông cũng chi tiền cho một vài đầu báo mà ông thích. Đọc xong để ở chiếc bàn mà chúng tôi vừa nhắc. Bạn bè, chòm xóm của ông như thành thói quen, nhiều người cứ đến đó mà đọc, rồi chuyện trò, bình luận rôm rả. Cái quán của ông bởi thế đôi lúc như một cái thư viện nhỏ.

Khó khăn là điều không phải bàn cãi, nhưng với những bạn đọc như vừa kể, chắc chắn báo in không thể chết mà vẫn sẽ tồn tại. Vấn đề là tồn tại như thế nào? Điều đó phụ thuộc vào trách nhiệm của những người làm báo chúng ta. Nếu chăm chút, làm cho sản phẩm của mình luôn hấp dẫn, luôn hữu ích, thì công chúng hẳn sẽ không bao giờ quay lưng.

Bài, ảnh: HIỀN AN