Một buổi chiều, tôi đi tìm nhà bà cụ ấy. Căn nhà nhỏ bé càng trống trải và buồn bã, khi chiều nhá nhem ngả màu sậm hơn. Bà cụ rót ly nước mời tôi, rồi lần những bước run rẩy, đến thắp nén hương lên bàn thờ, nơi có bức ảnh của cô cháu ngoại mới mười bảy tuổi, đang cười tươi rói. Nhìn gương mặt rạng rỡ của cháu trong bức ảnh, bà không kìm được những dòng nước mắt tràn xuống, ướt đầm cả mặt. Nước mắt của bà, nét mặt đau đớn tột cùng của bà... tôi đã từng chứng kiến tại phiên toà lưu động xét xử kẻ đã tước đoạt sinh mạng cô bé, là bà con xa với gã. Đám đông người dân địa phương rất phẫn nộ trước hành vi tội ác. Mặc dù, cán bộ toà án đã nhắc nhở về quy định, những người tham dự phiên toà không được vỗ tay trong phòng xử án. Vậy nhưng, khi hội đồng xét xử tuyên phạt tử hình bị cáo về tội giết người, bất ngờ, rộ lên tiếng vỗ tay của hàng trăm người, thể hiện sự đồng tình của họ trước mức hình phạt dành cho bị cáo.

Tôi không biết phải mở lời như thế nào, bởi trong hoàn cảnh này, nếu tôi hỏi điều gì cũng sẽ đâm ra thừa thãi và không phù hợp. Bà kể: "Vợ thằng T (bị cáo trong vụ án) thỉnh thoảng cũng qua đây thắp hương cho con bé. Tội nghiệp! Hắn thường xuyên đau yếu. Rứa mà một mình phải nuôi ba đứa con còn nhỏ, đang tuổi ăn, học. Cũng là phận đàn bà, nhưng số hắn khổ, gặp phải thằng chồng nỏ ra chi, cứ tù tội suốt. Mấy lần trước, thằng T bị đi tù vì trộm cắp, thời gian ở tù cả bốn lần là 11 năm. Chưa nói đến việc thằng nớ không khi mô đỡ đần được vợ trong việc nuôi con, riêng cái việc mang tiếng có chồng lúc mô cũng tù với tội, là hắn đã không thể ngẩng mặt lên được"...
 
Nhớ lại tại phiên toà hôm ấy, người phụ nữ nhỏ thó, vợ bị cáo, không ngồi phía sau chồng, là vị trí mà những người vợ có chồng lầm lỗi khác thường chọn, để làm điểm tựa tinh thần cho người thân của họ. Có vẻ như, chị không đủ can đảm trước "rừng" ánh mắt có rất nhiều ý nghĩa dành cho chị, bởi chị là vợ của một kẻ giết người-cướp tài sản, máu lạnh. Nhưng, khi phiên tòa tạm nghỉ để hội đồng xét xử nghị án, vợ T đến cạnh bà ngoại Th, dù chị không nói gì nhưng tôi vẫn đọc được từ con người chị toát lên lòng biết ơn và kính cẩn đối với bà cụ.
 
Bà cụ tiếp: "Nhiều người hỏi tui, mệ có giận, có ghét vợ con thằng T không? Họ hỏi rứa cũng có cái lý của họ. Nhưng, răng mà giận, ghét hắn. Ai có tội thì phải chịu hình phạt của pháp luật. Có chồng như rứa, hắn đã tội nghiệp lắm rồi. Đi mô ra đường cũng không dám ngẩng mặt nhìn ai. Mẹ con hắn mặc cảm, xấu hổ, ray rứt... vì tội của chồng gây ra. Bữa trước nghe mô hắn định dắt con bỏ nhà, bỏ quê mà đi. Ai nói với hắn răng không biết, nhưng tui thì động viên hắn ở lại, ráng mà nuôi con. Nghe nói con bé thứ hai học giỏi lắm. Thiệt tội"...
 
Nghe bà cụ kể chuyện vợ con của T, tôi "được đà": "Hôm trước tại phiên toà, lúc hội đồng xét xử tuyên mức án tử hình đối với T về tội giết người, con thấy mệ chỉ khóc"? "Phải. Tui đau lắm. Thương đứa cháu xấu số. Thằng T bị án tử hình, cháu tui cũng không thể sống lại được. Thực lòng mà nói, thằng T bị toà phạt như rứa là đúng rồi, nhưng tui cũng chẳng thấy nhẹ lòng đi chút nào. Sắp tới đây, nếu thằng T phải thi hành án, thì vợ và ba đứa con của hắn sẽ mất người thân"...
 
Không biết nói gì hơn, tôi im lặng trước bà cụ nông dân bé nhỏ, mái tóc bạc trắng với dấu vết nỗi đau hằn trên mặt, nhưng cõi lòng lại đầy ắp bao dung. Bây giờ tôi mới cảm nhận hết được tình cảm của người phụ nữ vợ bị cáo T, khi chị bày tỏ với bà ngoại bé Th lòng biết ơn và niềm kính cẩn...
 
Phạm Thùy Chi