Tác giả (Quỳnh Anh) trao tiền hỗ trợ của bạn đọc Báo Thừa Thiên Huế cho địa chỉ cần giúp đỡ. Ảnh: THÙY CHI

Quay lại sông Bồ trong một ngày tháng sáu. Gió từ mặt sông êm ả tỏa hơi mát khiến cái nắng trở nên dịu nhẹ. Nụ cười nhẹ nhõm trên gương mặt sạm nắng gió của những người dân tổ dân phố Lại Bằng (phường Hương Vân, thị xã Hương Trà) khiến chiều bên sông yên bình quá đỗi.

Cách đây chừng hơn một năm, cũng những gương mặt này, nhưng hằn nỗi lo lắng, bức xúc chất chồng trước nạn khai thác cát sỏi trái phép (kể cả được phép nhưng vi phạm trong quá trình khai thác) kéo dài, dẫn đến sông Bồ bị sạt lở nặng, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của người dân sinh sống dọc hai bên bờ sông.

Do sạt lở, có hộ dân bị sông “nuốt” luôn cả diện tích đất canh tác, cùng keo, tràm đã trồng trên đó. Có lúc cả vạt đất sát bờ sông lở, đổ ầm ngay trước mặt. Lo lắng, bất an khiến người dân cho rằng phải tự cứu đất, cứu mình, chống “cát tặc” bằng cách đóng hàng rào tre trên sông, ngăn tàu hút cát, bất chấp điều này là vi phạm pháp luật.

Tác giả (Thanh Hải) cùng người dân bên sông Bồ đến những điểm vi phạm trong khai thác cát, sỏi. Ảnh: VÕ NHÂN

Nhận tin báo từ người dân, chúng tôi - những phóng viên chuyên giải quyết đơn thư, phản ánh của bạn đọc, lập tức có mặt tại hiện trường. Để đi đến tận cùng sự việc, kịp thời phản ánh thông tin đa chiều “nóng hổi” trên mặt báo, gần tháng trời ròng rã, bất kể giờ giấc, chúng tôi mướt mồ hôi “bám” dân, chạy ngược chạy xuôi “bám” những cuộc làm việc, đối thoại giữa chính quyền với người dân tổ dân phố Lại Bằng (phường Hương Vân, thị xã Hương Trà) bên này bờ sông Bồ; với người dân thôn Sơn Bồ (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) ở bên kia bờ sông. Hay cùng lên thuyền, ngược dòng đến xem xét những điểm khai thác, chứng kiến cơ quan chức năng vào cuộc, đo đạc độ sâu tại các điểm doanh nghiệp đã hút cát giữa lòng sông.

Vật bất ly thân của những phóng viên là cuốn sổ và cây bút. Nhưng trong chuyến tác nghiệp đó, “ghi chép” cần thiết nhất lại chính là sự thấu hiểu, cảm thông trước nỗi đau xói lở mà họ trực tiếp gánh chịu, lắng từng cung bậc cảm xúc của người dân. Để trong suốt quá trình tác nghiệp, bên cạnh tìm hiểu, thu thập phản ánh thông tin đa chiều, phóng viên còn phải góp phần làm thật tốt nhiệm vụ phân tích, vận động người dân hành động đúng pháp luật.

Loạt bài phản ánh đăng tải trên Báo Thừa Thiên Huế, là một “tiếng nói” góp phần tác động người dân, để họ hiểu, nhất thiết vấn đề phải được giải quyết theo con đường pháp luật. Đồng thời cũng góp phần thúc đẩy cơ quan chức năng, chính quyền giải quyết nhanh, quyết liệt hơn.

Khi “gõ” bài báo cuối cùng trong “câu chuyện” hàng cọc tre cắm giữa lòng sông Bồ, đưa thông tin UBND tỉnh ra Quyết định xử phạt 1,6 tỷ đồng, tước giấy phép khai thác khoáng sản đối với công ty đã có hành vi vi phạm trong quá trình khai thác, buộc công ty này phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường, chúng tôi thực sự xúc động vì niềm tin vào lẽ phải được đắp bồi càng thêm vững chắc. Nỗi xúc động sâu hơn khi người dân bên sông Bồ dầm mình tháo hàng rào cọc tre, tháo gỡ những khúc mắc... Chúng tôi vui mừng và cả tự hào, bởi những kết quả đó đã góp phần, coi như là phần thưởng xứng đáng đối với trách nhiệm của một nhà báo, với mồ hôi, vất vả suốt dọc đường tác nghiệp.

Luôn mang theo trách nhiệm đó trong quá trình “theo dấu” đơn thư, phản ánh của bạn đọc, không đếm hết những lần chúng tôi trèo đèo lội suối gian nan. Đó là để tiếp cận, tìm hiểu, viết bài về thông tin công trình xây dựng trái phép trong khu vực thuộc rừng phòng hộ Hải Vân ở mũi Cửa Khẻm (giáp Đà Nẵng), dưới cái nắng nóng gay gắt, chúng tôi phải đi bộ xuyên rừng suốt 1 giờ đồng hồ trên con đường độc đạo quanh co, hiểm trở. Xuống dốc đã khó. Leo lên dốc càng gian nan hơn, phải nắm chặt cây rừng, nhích từng bước, thở không ra hơi.

Chuyến tác nghiệp sâu trong rừng phòng hộ trên địa bàn xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc cũng “lấy đi” rất nhiều mồ hôi, khi chúng tôi phải cuốc bộ, luồn lách giữa chằng chịt cây rừng mà chưa biết đường ra. Thế nhưng, vất vả dường như tiêu tan, khi qua điều tra, xác minh, đã làm rõ sự thật, không có việc phá rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn để trồng keo. Bài viết với những “bằng chứng” vững chắc đã “giải tỏa” băn khoăn lâu nay, trả lại niềm tin cho người dân thôn Mai Gia Phường, xã Lộc Bình.

Khi chúng tôi đang thực hiện bài viết này thì điện thoại reo vang. Số lạ. Thế nhưng, khi vừa nhấc máy, bên kia là giọng của người đàn ông lớn tuổi: “Bác chào nhà báo. Bác là Hồ Khắc Dược ở thôn Quy Lai xã Phú Thanh (huyện Phú Vang). Cách đây mấy năm, cháu đã từng về đây viết bài. Bác rất cảm ơn. Bây giờ, Phú Thanh có nhiều đổi thay đáng mừng, cháu có thể trở lại, viết về điều đó”?.

Tôi nhớ, đã về Quy Lai để viết về những liệt sĩ - những anh hùng trong lòng người dân địa phương. Tôi lặng người xúc động.

Mấy năm - thời gian không hề ngắn đối với những người chỉ gặp nhau một lần. Thế nhưng, có bạn đọc vẫn nhớ đến một nhà báo “bé nhỏ” như chúng tôi, nhớ đến bài viết của tôi và cần tôi tiếp tục viết. Tình cảm đó của bạn đọc chính là hạnh phúc quý giá nhất đối với nghề báo, với những người làm báo.

QUỲNH ANH - THANH HẢI