Các cơ quan báo chí tác nghiệp khi ngành du lịch Huế trao chứng nhận hết thời gian cách ly đối với du khách

An toàn cho du khách

Nhớ lại thời điểm dịch bệnh COVID-19 mới xuất hiện ở Trung Quốc, ngành du lịch Huế chủ động những giải pháp để phòng dịch bệnh. Bên cạnh kiểm soát chặt dòng khách có nguy cơ mang mầm bệnh đến Huế, thông điệp “điểm đến an toàn” được Huế truyền đi để duy trì hoạt động, có thể thu hút khách ở các thị trường chưa ghi nhận bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

COVID-19 quá nguy hiểm và vượt qua các dự tính ban đầu. Ngày 9/3, Huế phát hiện trường hợp dương tính đầu tiên với SARS-CoV-2 là nữ bệnh nhân người Anh đến Huế du lịch, đã đi cùng chuyến bay cùng nữ bệnh nhân số 17. Ngoài ra, còn thêm 14 du khách đã đi cùng chuyến bay từ Anh về Việt Nam và chuyến bay đưa khách từ Hà Nội vào Huế du lịch. Cách ly số du khách trên là điều phải thực hiện, nhưng cách ly ở đâu, như thế nào sao cho không tạo ra cảm giác bỏ rơi, kỳ thị mà vẫn đảm bảo tiêu chí an toàn cho du khách và những người tham gia phục vụ.

Lưu trú ở Sun&Sea Resort là giải pháp tối ưu được ngành du lịch lựa chọn. Ngay trong ngày 9/3, 14 du khách được đưa về lưu trú cách ly. Có mặt ở Sun&Sea Resort lúc đó mới thấy không khí căng thẳng như thế nào. Du khách về đây chưa thể khẳng định bị nhiễm bệnh hay không, song những thao tác phải đạt đến mức quy chuẩn nhất có thể, dù trước đó, ở Huế chưa xử lý tình huống tương tự.

Thông điệp “điểm đến an toàn” tạm thời ngừng quảng bá. Dù thế, đây là thời điểm mà Huế ghi điểm, chứng minh cho du khách thấy khả năng chống dịch tốt như thế nào.

Ở Sun&Sea Resort những ngày đầu đón khách về cách ly, một quy định được các du khách đặt ra là phóng viên các cơ quan báo chí tuyệt đối không được ghi hình ảnh của du khách, dù chỉ ở sau lưng. Có một tâm lý nặng nề của du khách, bởi họ cho rằng Huế đang xử lý căng thẳng hơn mức bình thường.

Rồi cũng đến ngày hết cách ly, lần lượt 12 du khách làm thủ tục về nước và 2 du khách nội địa trở về Hà Nội. Khi 12 du khách trở về nước cũng là lúc ở các nước châu Âu bùng phát dịch bệnh. Du khách Laura Mitchell (quốc tịch Anh) đã gửi những dòng suy nghĩ ở trên group (nhóm) mà trước đó ngành du lịch lập để tiếp nhận thông tin từ du khách. Du khách này gửi lời xin lỗi đến Huế vì trước đó đã có những phản ứng gay gắt. Từ thực tế ở đất nước họ, du khách này dành tặng những lời khen ngợi về một đất nước an toàn, an ninh được đảm bảo và tinh thần phòng chống dịch bệnh nghiêm túc.

Đúng 3 tháng kể từ ngày rời Huế sau thời gian cách ly bắt buộc, chị L.N.T.M (một trong hai du khách nội địa lưu trú cách ly ở Sun&Sea Resort) nhớ lại, thời điểm đó đúng là khoảng thời gian mà tâm lý chị bị khủng hoảng. Một phần cảm thấy hụt hẫng vì đi du lịch nhưng lại bị cách ly. Phần khác nặng nề hơn là lo lắng nhiễm bệnh. “Để được nói điều gì đó, tôi chỉ có thể dùng từ cám ơn tất cả mọi người đã không chút lo ngại mà chăm sóc chu đáo cho chúng tôi. Dù không được như ở khách sạn, song đó những gì chúng tôi nhận được đã là tuyệt vời nhất”, chị L.N.T.M cảm xúc.

Phóng viên Báo Thừa Thiên Huế tác nghiệp tại trạm kiểm soát COVID-19 ở thị xã Hương Trà

Vai trò của báo chí được phát huy

Trước đó, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức giao ban trực tuyến với các cơ quan báo chí về công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19. Tại hội nghị này, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đánh giá, chưa bao giờ các lực lượng truyền thông chung sức, đồng lòng, tham gia, vào cuộc quyết liệt như lần này. Với tinh thần công khai, minh bạch, tất cả các thông tin chỉ đạo điều hành, khuyến cáo phòng chống, diễn biến tình hình dịch bệnh… đều nhanh chóng truyền tải đến với công chúng, để nâng cao nhận thức người dân trong phòng chống dịch bệnh.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, từ khi dịch bệnh xuất hiện cho đến hiện tại, ngành du lịch luôn nhận được sự đồng hành tích cực từ các cơ quan thông tấn báo chí. Báo chí góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh chủ động ứng phó và năng lực y tế của tỉnh qua công tác cách ly đối với các trường hợp tiếp xúc gần (F1, F2) ở Sun&Sea Resort; công tác khám và chữa bệnh của Bệnh viện Trung ương Huế đối với các trường hợp khách du lịch dương tính; chia sẻ khách quan tình cảm của du khách quốc tế đối với tỉnh sau khi được chữa khỏi bệnh.

Báo chí góp phần khẳng định “Huế - điểm đến an toàn” sau khi khống chế dịch thành công và bắt tay vào phục hồi ngành du lịch. Các chính sách kích cầu của tỉnh, của doanh nghiệp, như đề án kích cầu, Nghị quyết của HĐND tỉnh về giảm phí tham quan, kế hoạch của UBND tỉnh về nhiệm vụ và giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch năm 2020, các gói liên minh kích cầu… đều được báo chí tuyên truyền kịp thời, sâu rộng. “Chính báo chí góp phần quảng bá hình ảnh Huế hấp dẫn, thân thiện, để thu hút khách nội địa tốt hơn”, ông Trần Hữu Thùy Giang nhấn mạnh.

Mới đây, Huế tổ chức Diễn đàn Du lịch Huế 2020, với chủ đề “Kết nối lữ hành: Huế - điểm đến an toàn, thân thiện”. Theo đó, hàng trăm tin, bài đã được các cơ quan báo chí đăng tải. Cùng với đó, hỗ trợ quảng bá các sản phẩm, dịch vụ mới trên địa bàn, các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng, suối thác, đầm phá và du lịch biển... Đó là sự tương tác, cộng hưởng để giúp Huế có thể phục hồi du lịch nhanh hơn.

Cũng tại một cuộc họp bàn giải pháp hồi phục du lịch Huế hậu COVID-19, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cho rằng, đối với du lịch Huế, giải pháp quan trọng hiện nay là quảng bá tốt về điểm đến an toàn, chính sách kích cầu. Sẽ có nhiều hình thức để quảng bá, trong đó, cần tận dụng tối đa kênh báo chí, bởi đây là kênh tuyên truyền đa chiều, khách quan và kịp thời.

Bài, ảnh: Đức Quang