Tư liệu, hiện vật về giáo dục khoa cử được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trưng bày tại triển lãm “Một thời bút nghiên”

Không gian độc đáo

Quốc Tử Giám là trường đại học duy nhất thời phong kiến còn tồn tại trên đất nước ta. Đây là một di tích lịch sử, văn hóa độc đáo, có giá trị cao, là biểu tượng cho vùng đất học từng là Kinh đô. Trong suốt thời gian tồn tại, Quốc Tử Giám góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Trong số hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn, có không ít vị đã từng dùi mài kinh sử tại ngôi trường này.

Với những giá trị trên, sau khi hoàn thành việc di dời các hiện vật của Bảo tàng Lịch sử, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dựa trên hệ thống tài liệu, cơ sở khoa học, lịch sử để xây dựng di tích này trở thành Bảo tàng Giáo dục Khoa cử, nhằm gìn giữ và giáo dục lòng tự hào về vùng đất học cho thế hệ trẻ.

Theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, sau khi tiếp quản khu di tích Quốc Tử Giám, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dự kiến sử dụng địa điểm này nhằm mở rộng không gian trưng bày của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, bởi không gian trưng bày tại điện Long An khá khiêm tốn so với nội dung trưng bày cũng như số lượng cổ vật bảo tàng hiện đang lưu giữ. Ở Di Luân Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dự kiến xây dựng nội dung, xác định nguồn hiện vật, sưu tầm hiện vật, tổ chức trưng bày chuyên đề “Giáo dục khoa cử thời Nguyễn và truyền thống giáo dục ở Thừa Thiên Huế”.

Tư liệu, hiện vật về giáo dục khoa cử tại triển lãm “Một thời bút nghiên”

Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, không gian này sẽ trưng bày các loại hiện vật gốc, hiện vật phục chế, tranh, ảnh, thơ ngự chế, thác bản, các loại tài liệu, thư tịch… giới thiệu tổng quát về sự hình thành, phát triển của Quốc Tử Giám trong lịch sử; chính sách giáo dục, đào tạo, truyền thống và thành tựu khoa cử của triều Nguyễn, khẳng định truyền thống của một vùng đất học. Đồng thời, xây dựng trưng bày chuyên đề “Thơ khuyến học” của các vua Nguyễn thông qua thư tịch, thư pháp.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dự kiến sẽ tổ chức một không gian trải nghiệm cho học sinh tìm hiểu văn hóa cung đình, bằng cách tạo dựng các trò chơi tương tác, vẽ họa tiết cung đình, tham gia trò chơi đổ xăm hường… Ngoài ra, sẽ có những lễ hội sân khấu hóa tái hiện cảnh khoa cử ngày xưa và học sinh có thể “vào vai” thành các nhân vật của câu chuyện. Trong các kỳ Festival, dự kiến cũng sẽ tổ chức lại Hội thi Tiến sĩ võ tại khu vực quảng trường phía trước Di Luân Đường.

Đặc biệt, vào dịp kết thúc năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ tuyên dương học sinh danh dự tại sân Quốc Tử Giám. Đây là buổi lễ kết hợp giữa nội dung thực tế của một lễ tuyên dương thời hiện đại gắn với âm sắc truyền thống qua hình thức trang phục áo dài, âm nhạc sử dụng, cảnh trí phù hợp với kiến trúc không gian di tích, nhằm tạo nên một cách làm mới có ý nghĩa, gắn kết giáo dục và di sản.

Khó khăn về nguồn hiện vật

Khi nghe thông tin sẽ xây dựng Bảo tàng Giáo dục Khoa cử, nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh rất vui mừng, bởi từ lâu lắm, ông đã ao ước Huế sẽ xây dựng Bảo tàng Giáo dục Khoa cử: “Thuận Hóa là vùng đất học, đào tạo nhiều bậc hiền tài cho đất nước nên cần có một nơi lưu giữ, giới thiệu các tư liệu, hiện vật liên quan đến giáo dục khoa cử, không chỉ trong thời đại phong kiến mà kéo dài cho đến hiện nay. Đó sẽ là một địa chỉ độc đáo riêng có của Huế”.

Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng, Phân Viện trưởng Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, trước mắt, cần tập trung cho việc trưng bày chuyên đề về giáo dục khoa cử, làm nền tảng mở rộng dần dần để xây dựng bảo tàng sau này. Di tích Di Luân Đường - Quốc Tử Giám là đại diện cho tinh hoa giáo dục của nước Đại Nam thống nhất ngày xưa, cho nên hiện nay nó phải là một không gian mở cho tinh hoa của giáo dục cả nước, chứ không chỉ Thừa Thiên Huế.

Ngoài trưng bày những tư liệu, hiện vật về truyền thống khoa bảng, văn bằng, bút nghiên, học cụ, vinh danh những người đỗ đạt từ xưa đến nay, có thể tạo sức sống độc đáo cho không gian di tích này bằng một lễ đường giáo dục. Nơi đây sẽ diễn ra các hoạt động khai giảng, bế giảng, phát thưởng, trao học bổng, vinh danh… được tổ chức trang trọng sẽ rất thiêng liêng, mang dấu ấn riêng biệt.

Ông Nguyễn Phước Hải Trung bày tỏ băn khoăn, trước khi tính đến chuyện “bảo tàng”, thì việc trưng bày chuyên đề có tính cố định về “Giáo dục khoa cử thời Nguyễn và truyền thống giáo dục ở Thừa Thiên Huế” đã dự báo sẽ gặp một số khó khăn nhất định, lớn nhất là nguồn hiện vật gốc. Không có hiện vật gốc với một tỷ lệ thích ứng thì khó có thể gọi là bảo tàng. Mảng hiện vật liên quan đến khoa cử hiện nay ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình và ở Huế khá mỏng.

Khi thực hiện trưng bày chuyên đề “Một thời bút nghiên” vào tháng 12/2019, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế chỉ “gom góp” được hơn 100 hiện vật là tài liệu, bút nghiên, tranh vẽ… Vì vậy, cần có nỗ lực lớn để tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, phục chế, làm phiên bản, mô phỏng… mới có thể thực hiện được trưng bày chuyên đề về khoa cử một cách đầy đủ.

Bài, ảnh: MINH HIỀN