Trẻ em cần được bảo vệ trước nạn bạo hành. Ảnh minh hoạ: VTV

Được xuất bản bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) và Đại diện đặc biệt của LHQ về chấm dứt bạo lực đối với trẻ em, báo cáo tiết lộ rằng, trong khi gần như tất cả các quốc gia (88%) đều có luật để bảo vệ trẻ vị thành niên, thì chưa đến một nửa (47%) các quốc gia thực thi các điều luật đó một cách nghiêm ngặt.

Ngoài ra, báo cáo cũng bao gồm các ước tính đầu tiên về nạn giết người toàn cầu, nhất là với trẻ em dưới 18 tuổi. Theo đó, khoảng 40.000 trẻ em là nạn nhân của vụ giết người trong năm 2017.

Bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF cho biết, trong khi đại dịch COVID-19 đang diễn ra, việc phong toả, đóng cửa trường học và hạn chế di chuyển đã khiến quá nhiều trẻ em mắc kẹt với những kẻ lạm dụng chúng. Do đó, việc tăng cường nỗ lực để bảo vệ trẻ em trong những thời điểm này và sau đó là việc làm cấp thiết.

Thực tế, 80% các quốc gia có các kế hoạch và chính sách hành động quốc gia về phòng chống bạo lực với trẻ em, nhưng chỉ 1/5 các nước có các kế hoạch được tài trợ đầy đủ hoặc có các mục tiêu có thể đo lường được. Việc thiếu kinh phí và năng lực chuyên môn không đầy đủ có thể được coi là lý do khiến việc triển khai bị chậm.

Theo các tổ chức LHQ, cần có hành động toàn cầu để đảm bảo rằng những hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cần thiết luôn sẵn sàng cho tất cả các quốc gia, vì “chúng ta có khả năng và cần phải tạo ra một thế giới mà mọi đứa trẻ đều có thể phát triển”, Howard Taylor, Giám đốc điều hành của Tổ chức Quan hệ đối tác toàn cầu nhằm chấm dứt bạo lực đối với trẻ em nhấn mạnh.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ UN)