Đòi nợ thuê đã nổi lên, tồn tại và hoạt động trong đời sống xã hội thời gian gần đây. Tuy với danh nghĩa là doanh nghiệp, nhưng đa phần người lao động trong lĩnh vực này đều không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nhiều cá nhân lợi dụng danh nghĩa này để hoạt động, sử dụng người lao động là những thành phần bất hảo, liều lĩnh, vô cảm, thậm chí là những đối tượng nghiện ngập.

Do nhân lực như vậy nên quá trình hoạt động đòi nợ đã gây ra nhiều hệ lụy trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương; từng xảy ra nhiều vụ án mạng, hành hung, bắt cóc, khủng bố trong quá trình đòi nợ, là nỗi khiếp đảm cho người dân lương thiện…

Mặt khác, đa số các vụ đòi nợ thuê, thường liên quan đến cho vay nặng lãi, lừa đảo, tham gia đánh bạc… Cho nên, việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê không chỉ hạn chế “đất sống” của những thành phần bất hảo mà còn hạn chế được những tệ nạn xã hội; nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật cho người dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự.

Điều quan trọng là người dân phải thận trọng trong các hoạt động kinh doanh, giao dịch, vay mượn…

Chuyện anh A. (xin được giấu tên) tuy đang chờ kết luận của cơ quan chức năng nhưng khiến người nghe không khỏi giật mình. Anh vay của chị B. hơn 2 trăm triệu đồng không trả. Chị B. kiện ra tòa. Tòa xử anh A. phải trả tiền cho chị B. Trong lúc anh A. cần tiền để thi hành án thì một người lạ khác là C. điện thoại, hứa giúp làm thủ tục cho anh A. lấy sổ đỏ đang cắm ở ngân hàng để thế chấp vào một ngân hàng khác vay tiền trả cho chị B. Lòng vòng thế nào, cuối cùng sổ đỏ sang tên người thân của C.

Một ngày, C. kéo những người xăm trổ đầy mình đến đuổi gia đình anh A. ra khỏi nhà. Anh A. chua xót trình bày, khu đất của tôi giá trị khoảng 3 tỷ đồng nhưng những người đó mới đưa cho tôi 5 trăm triệu đồng đã chiếm hết… Sự việc cho thấy, nếu anh A. tỉnh táo, thận trọng trong giao dịch, vay tiền thì sự việc đâu đến nỗi phức tạp.

Nhân đạo là một trong những nguyên tắc của pháp luật Việt Nam; vừa là công cụ quản lý Nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt hằng ngày của người dân… Khi hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê không còn, cần thiết pháp luật phải có những biện pháp hiệu quả để xử lý những trường hợp chây ì, cố tình giật nợ của người khác; nhất là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của lực lượng thi hành án, để người dân tin tưởng, không dựa vào dịch vụ đòi nợ thuê.

Hoàng Ca