Cô bạn thân của tôi cùng xa quê vào đây sinh sống. Ở trong một thành phố, nhưng bạn làm công nhân một nhà máy dệt, hôm ca sáng, hôm ca tối, cứ xoay vòng vòng. Công việc đặc thù nên tôi cũng đi suốt, bất kể giờ giấc. Thêm vào đó, đứa nào cũng bận rộn gia đình, con cái hoặc “đối nội đối ngoại”, nên hầu như chẳng mấy lúc gặp nhau. Có điều tôi nhớ, đợt ba tôi vào Huế điều trị bệnh, dù bận cỡ nào, nhưng cách mấy hôm bạn lại đến bệnh viện thăm, chịu khó ngồi cả tiếng đồng hồ nghe ba tôi kể chuyện “ngày xưa”.

Tôi ngại bạn bận, định tìm cách “ngắt” câu chuyện “lê thê”. Nhưng bạn nói nhỏ: “Bà” đừng lo. Tui đã thu xếp để có dư dả thời gian. Tâm lý của người già phải xa nhà, xa quê buồn lắm, lại còn phải nằm viện nữa, buồn biết cỡ nào. “Bà” xem, được nói chuyện ngày xưa, mặt mũi bác trai vui hẳn, rạng rỡ hẳn kìa. Niềm vui của cha mẹ già là có con cháu ở cạnh và được con cháu lắng nghe. Vậy nên, là phận con cái, phải làm cho được”.

Mẹ của bạn vốn bị bệnh tiểu đường nặng, sức khỏe yếu đã nhiều năm. Nhưng lúc trước có ba của bạn chăm sóc, nên mọi việc đều ổn. Không may, ba của bạn phát bệnh hiểm nghèo, rồi qua đời chỉ trong thời gian ngắn. Mẹ bạn suy sụp, trở nên nhớ nhớ quên quên. Em gái của bạn ở quê, nhưng sống chung với cha mẹ chồng, nên cũng chỉ chạy lui chạy tới chăm mẹ phần nào. Vậy là bạn quyết định xin nghỉ việc, dù biết nghỉ ngang như vậy, là rất thiệt thòi. Bạn tâm sự: “Bây giờ, chăm mẹ là quan trọng nhất. Còn mẹ để mà chăm là còn hạnh phúc. Bây giờ, tui muốn được chăm sóc ba, cũng đâu được nữa. Dù biết tui nghỉ việc, kinh tế sẽ chật vật hơn, nhưng chồng tui hoàn toàn ủng hộ”.

Tôi chào bác gái. Trong ánh mắt có vẻ đờ đẫn không có dấu hiệu bác gái nhớ tôi là ai. Bạn ngồi cạnh, kiên nhẫn nhắc từng kỷ niệm gắn bó với thời gian tôi thường “tá túc” nhà bạn để được ăn ké khoai, sắn nướng, luộc đủ các kiểu, cùng cả nhà bạn đi bứt cây rành rành trên đồi về bó chổi đem ra chợ bán. Cả những lần tôi và chị em bạn trốn ra tắm trên con kênh thủy lợi cách nhà chừng vài trăm mét, bị bác trai, bác gái phát hiện mắng cho té tát.

Ánh mắt dần trở nên linh hoạt, bác gái gọi đúng tên tôi. Dù nói năng chậm chạp, bác gái bắt đầu nhắc lại những chuyện xưa mà tôi cũng không còn nhớ, mặt rạng rỡ hẳn lên. Bạn cũng cười, vừa đưa tay áo thấm giọt nước ứa ra nơi khóe mắt. Bạn bảo: “Mẹ nhớ được “bà”, nhớ được chuyện xưa như vậy, tui vui lắm, mừng lắm”. Niềm vui khiến người ta khóc, phải là niềm vui to lớn, sâu sắc. Chứng tỏ, bạn yêu thương mẹ biết chừng nào.

Trên bàn, trong tầm tay của bác gái là hai cái rổ. Một rổ đựng rau chưa nhặt, rổ kia dùng đựng rau nhặt rồi. Thực ra, nhiều lúc bác gái bỏ lẫn lộn rổ này rổ kia. Nhưng bạn bảo: “Kệ, lát nữa tui sẽ nhặt lại. Tui nhờ mẹ làm để mẹ hoạt động chân tay. Nếu không nhờ mẹ làm mấy việc vặt như này, mẹ cứ nằm mãi trên giường, điều đó không tốt cho sức khỏe”. Đến giờ ăn trưa, chồng bạn đẩy chiếc bàn tự tay anh thiết kế riêng, tạo sự thoải mái nhất cho mẹ. Cá đã được gỡ xương cẩn thận. Rau xắt nhỏ. Thịt hầm mềm. Vợ chồng bạn để bác gái tự dùng thìa xúc cơm ăn. Chỉ đến lúc bác gái “lười”, không chịu ăn nữa, thì con gái lớn của bạn ngồi cạnh, kiên nhẫn bón thức ăn cho bà. Cô bé thủ thỉ dỗ dành đến lúc ngoại ăn hết khẩu phần mới thôi.  

Vợ chồng bạn đều là công nhân, nuôi hai con ăn học, kinh tế vốn đã hạn hẹp. Bây giờ bạn nghỉ việc, càng khó khăn hơn. Nhưng gia đình bạn thật giàu có tình yêu thương và hạnh phúc. Giàu yêu thương, hiếu thuận.., là của cải quý giá nhất của mọi gia đình để lại cho con, cháu đời sau.

THÙY CHI