Châu Âu tích cực chuẩn bị lực lượng y tế đề phòng đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 2. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN
Một số trung tâm chăm sóc tích cực đang cố gắng thuê thêm nhân viên thường trực. Những nơi khác muốn tạo ra một "đội quân" các chuyên gia y tế sẵn sàng triển khai làm việc ở bất cứ nơi nào cần thiết, ví như ngay ở các khu phố có bệnh nhân bị bệnh nặng.
Các nước châu Âu đã và đang thiết lập các khóa học y tế về cách đối phó với bệnh nhân COVID-19, và hiện đang tìm cách để đào tạo lại nhân viên nhằm tránh tình trạng thiếu nhân viên chủ chốt nếu có một đợt bùng phát COVID-19 thứ hai.
"Chúng tôi cần một đội quân chăm sóc sức khỏe", Maurizio Cecconi, chủ tịch của Hiệp hội Y học Chăm sóc Chuyên sâu châu Âu (ESICM) cho biết. Theo ông, các nhân viên y tế cần phải linh hoạt hơn trong công việc và tiếp cận nhiều nơi hơn nữa.
Thực tế, nhiều quốc gia đã không có sự chuẩn bị trước khi đại dịch bùng phát ở châu Âu hồi tháng 3 - tháng 4 vừa qua, do đó đã phải vội vã đào tạo nhân viên y tế làm việc với những bệnh nhân mắc bệnh nặng, nhằm tăng số lượng và thay thế cho những y bác sĩ nhiễm bệnh.
Một số sinh viên y khoa và bác sĩ nghỉ hưu đã được kêu gọi đến hỗ trợ trong các phòng chăm sóc đặc biệt khi nhân viên bệnh viện bị quá tải. Ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, các đơn vị chăm sóc đặc biệt đã phải trang bị thêm giường bệnh và thiết bị cần thiết, một số bệnh viện mới cũng được xây dựng.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề và sự thiếu hụt vẫn tồn tại. Chẳng hạn, ước tính Italia có thể cần tăng thêm đến 50% số bác sĩ gây mê, chuyên gia hồi sức và các chuyên gia y tế khác đang làm việc trong các phòng chăm sóc đặc biệt.
Khắp châu Âu, các bệnh viện đang tiến hành đào tạo lại các bác sĩ phẫu thuật, tim mạch, nội khoa và y tá từ các khoa khác và chuyển họ đến các đơn vị chăm sóc đặc biệt khi cần thiết. Nhiều người cũng được tham gia các khóa học về cách xử lý với các bệnh nhân COVID-19, với các nghiệp vụ chuyên sâu.
Được biết, khi đại dịch bùng phát ở mức đỉnh điểm, Ủy ban Châu Âu đã tài trợ cho việc luân chuyển nhân viên y tế xuyên biên giới tới các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hồi tháng 4, nhiều nhóm y bác sĩ từ Na Uy và Romania đã được gửi đến Italia. Tuy nhiên, một chuyên gia nói rằng, việc chuyển bác sĩ từ nước này sang nước khác "nên là một lựa chọn nhưng không phải là lựa chọn đầu tiên", vì rào cản ngôn ngữ có thể khiến công việc không phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Một số bệnh nhân cũng được di chuyển đến các vùng lân cận để điều trị. Ví như Pháp đã chuyển một số bệnh nhân đến các khu vực ít bị ảnh hưởng của đất nước và đưa một số đến Đức, nơi cũng tiếp nhận các bệnh nhân COVID-19 từ Italia. Tuy nhiên, việc này cũng đi kèm một số rủi ro trong quá trình vận chuyển và các biến chứng hậu cần.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CNA)